Cập nhật: Thứ năm 24/12/2020 - 14:32

Trong những năm tháng kháng chiến, mỗi câu thơ, điệu nhạc, mỗi tiếng hát, lời ca đều trở thành thứ vũ khí sắc bén cùng góp công đánh đuổi giặc thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Âm nhạc mà những thế hệ nhạc sĩ cách mạng trước đây sáng tác từng nuôi dưỡng tinh thần đoàn kết quân dân, tình yêu quê hương đất nước. “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam” như một cuốn biên niên về các bài hát của một thời hào hùng hoa lửa.

Trong thời chiến, biết bao nhiêu chiến sĩ giải phóng quân, thanh niên xung phong từng nắn nót chép vào cuốn sổ tay mang theo bên mình những ca khúc yêu thương gia đình, quê hương, đất nước, những bài hát hào hùng như lời hiệu triệu thúc giục người người hăng hái chiến đấu. Các phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, “Hát cho đồng bào tôi nghe” sôi nổi một thời đã cho thấy sự lớn mạnh của văn nghệ đấu tranh.

Hệ thống lại dòng chảy lịch sử của nền tân nhạc Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vai trò của ca khúc cách mạng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, mới đây, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ đã cho ra mắt cuốn sách “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam” của tác giả Trần Văn Nhiệm.

Vốn không phải là người trong giới sáng tác âm nhạc, cũng không phải là người nghiên cứu chuyên môn, tác giả Trần Văn Nhiệm chỉ đơn thuần “là người hưởng thụ, cảm nhận và hâm mộ những dòng ca khúc cách mạng Việt Nam”. Thích hát và hay hát từ nhỏ, không khí của những ca khúc “Nam Bộ kháng chiến”, “Đoàn Vệ quốc quân” và nhất là bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” đã lưu dấu ấn trong suốt cả thời niên thiếu của cậu bé Nhiệm, và cả đến bây giờ khi ông đã ngoài 80 tuổi.

Niềm đam mê âm nhạc cách mạng đã thôi thúc ông dành nhiều năm ấp ủ nghiên cứu, công phu sưu tập, tỉ mỉ biên soạn cuốn sách “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam” với ước mong góp giữ cho mai sau tinh hoa từ những ca khúc mang tầm giác ngộ “lòng dân Lạc Hồng quyết vì non nước yêu quê hương, dựng xây giống anh hùng nêu cao chí lớn, giống anh hùng đua sức can trường”.

Ông hy vọng độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ, đọc cuốn sách “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam” sẽ có thêm tư liệu để biết, để hiểu về một thời hoa lửa hào hùng của thế hệ cha anh, góp phần để “hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân dũng cảm xả thân vì đất nước đi vào thơ, vào nhạc sẽ được lưu giữ muôn đời cho Tổ quốc Việt Nam”.

Dày gần 800 trang, cuốn sách “Chống xâm lăng trong ca khúc Việt Nam” như một biên niên về các ca khúc chống xâm lăng qua các thời kỳ trước và sau Cách mạng Tháng Tám, giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945-1954, và đặc biệt là thời kỳ chống Mỹ. Mỗi bài viết mang đến một lát cắt, một góc nhìn khi được chia theo thời gian, lúc được “chiếu” theo chủ đề. Kèm theo mỗi ca khúc được trích dẫn, viết lời bình, các bài viết còn là những câu chuyện xung quanh tác phẩm, hoàn cảnh ra đời bài hát…

Cuốn sách cũng mang đến cho độc giả những thông tin cơ bản về thân thế sự nghiệp, cuộc đời của hơn 70 nhạc sĩ cách mạng như Đỗ Nhuận, Văn Cao, Xuân Giao, Cao Việt Bách, Nguyễn Đức Toàn, Văn Ký, Huy Du, Trần Hoàn, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồ Bắc, Trần Kiết Tường…


Theo HNMO