Năm nay là năm đặc biệt, Tết ông Công, ông Táo vào đúng ngày lập Xuân. Theo văn hóa Á Đông, ngày lập Xuân, vạn vật tại nội gia phải an yên, không nên thực hiện việc lau dọn ban thờ, tỉa chân nhang... nên nhiều hộ dân làm lễ cúng sớm hơn mọi năm. Từ ngày 21 tháng Chạp, đã lác đác các gia đình làm lễ cúng tiễn ông Công, ông Táo, đến ngày 22, đâu đâu trên đường phố cũng thấy người đi mua sắm vàng mã, cá chép về làm lễ. Theo tập tục, sau khi làm lễ xong, các gia đình sẽ rút tỉa chân nhang, bao sái đồ thờ, tổng vệ sinh nơi thờ cúng và nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán. Sau đó mang cá chép, tàn tro thả ra các sông, suối... Chị Quế Thị Hằng, tổ 12, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) cho biết: Mọi năm, cứ đúng ngày 23, tôi mới làm lễ tiễn ông Công, ông Táo, mỗi lần đi thả cá, tôi thấy rất vất vả vì phải chen chúc giữa đám đông. Nhưng năm nay, tôi làm từ ngày 21 để tránh tiết lập Xuân, cũng là để không phải chen chúc.
Năm nào cũng vậy, chiều 23 tháng Chạp, khu vực cầu Gia Bảy (T.P Thái Nguyên) lại tập trung rất đông người đến thả cá, mang theo những túi nilon lớn nhỏ đựng cá, tro vàng mã, đồ thờ tự để thực hiện phong tục phóng sinh cá chép và thả trôi sông những tàn tro. Những năm trước, cứ ngày này là cả khu vực cầu lại tắc nghẽn, rác thải, túi nilon tràn ngập khắp trên cầu, dưới sông. Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, những năm gần đây, Thành đoàn Thái Nguyên đã đặt thùng rác quanh khu vực cầu, đồng thời túc trực hướng dẫn người dân vứt rác đúng nơi quy định và ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường. Năm nay, từ ngày 20, gần chục thùng chứa rác đã được bố trí hai bên cầu và nhiều băng zôn được căng treo quanh khu vực với các khẩu hiệu: Thả cá, đừng thả túi; chung tay cùng tuổi trẻ thành phố bảo vệ dòng sông Cầu quê hương...
Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, trưa ngày 22 xe máy, ô tô đỗ ngay trên cầu để thả cá gây cản trở giao thông. Không chỉ ở cầu Gia Bảy, một số đoạn sông, suối khác như: Cầu Bến Tượng, hồ Gia Sàng, cầu Linh Nham... tình trạng cũng diễn ra tương tự. Không chỉ vậy, vào ngày này, đi dọc trên các tuyến phố, chúng ta lại dễ dàng bắt gặp một số hộ dân thản nhiên đốt vàng mã ngay trên vỉa hè, dưới gốc cây khiến bụi tro theo gió bay khắp nơi. Hành động này không những gây khói, bụi ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, mà còn tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.
Những hành động thiếu ý thức này không chỉ gây ra những hiểm họa về môi trường, cháy nổ, mà còn làm mất dần đi ý nghĩa tốt đẹp của ngày lễ truyền thống của dân tộc. Vì thế, để giữ vẹn nguyên nét đẹp trong truyền thống văn hóa bao đời về ngày lễ tiễn đưa ông Táo về trời, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền đến người dân về giữ vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh. Đặc biệt, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân cần nêu cao tinh thần phòng, chống dịch, tránh tụ tập đông người, giữ khoảng cách, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài... bảo vệ tốt sức khỏe bản thân và gia đình.