Thấy hàng xóm sang chơi, ông Phương ngừng tay mời: - Bác vào nhà uống chén trà tôi vừa pha. Thì cũng đang nhì nhằng cho có tý xuân. Chủ yếu là dọn dẹp cái vườn cho gọn ghẽ. Còn đồ ăn thức uống đã có cánh phụ nữ lo. Nhưng bây giờ Tết có khác ngày thường mấy, sum vầy cho ấm cúng chứ tất bận sắm sửa gì đâu bác.
Ông Hùng thủng thẳng: - Tết nhất phải cho đoàng hoàng chứ. Hôm qua nhà tôi đã thảo luận rồi, dưa hành bánh chưng xanh bà nhà tôi và con dâu đạo diễn. Thằng con trai lo quất đào, bia rượu, nó bảo gửi mua con lợn mán về thịt nữa. Cả năm mới có ba ngày Tết, ăn uống cho chúng nó thoải mái, cứ mua dư ra một tý.
Ông Phương cười: - Bọn trẻ nhà tôi thì đang bảo nhau người Việt từ chế độ 1.0 - ăn no mặc ấm đã sang 2.0 - ăn ngon mặc đẹp và 3.0 - ăn lạ mặc độc. Ở chế độ 3.0, nhiều thứ gắn mác "rừng" trở thành lạ và độc. Nên lan rừng, mai rừng mới ồ ạt chở về xuôi.... Nhưng bây giờ thế giới đang ở chế độ 4.0 tức là ăn sạch mặc xanh thì chúng ta cũng phải chuyển sang chế độ 4.0 để tương thích với thế giới chứ…
Ông Hùng ngạc nhiên: - Ông thức thời thế, 4.0 đã đi cả vào Tết nữa cơ à, nhưng mà cũng phải mừng xuân cho hoan hỷ chứ.
Ông Phương đồng tình: - Mừng thì vẫn mừng, nhưng không nên mua sắm nhiều quá. Hơn 60 năm trước trong tác phẩm “Mừng Tết Nguyên đán như thế nào?” Bác của chúng ta đã dạy rằng: “Chúng ta nên mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân…”. Ngừng một lát ông Phương hồ hởi: - Chưa hết đâu, Bác còn làm thơ về việc tránh lãnh phí trong ngày xuân nữa đấy nhé: Trăm năm trong cõi người ta/Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan/Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/Phải đâu lãng phí, cỗ bàn mới Xuân.
Nghe ông Phương đọc thơ Bác như lẩy Kiều, ông Hùng gật gù: - Hay, chí lý! Đúng là đâu phải cứ cỗ bàn mới Xuân. Mai tôi cũng bảo nhà tôi mua bán vừa đủ, mỗi thứ một chút cho có không khí Tết là được.