Cập nhật: Thứ hai 08/02/2021 - 11:19
​Năm 2020, hoạt động tham quan du lịch tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều diễn ra an toàn. Trong ảnh: Nhân viên Khu bảo tồn Làng nhà sàn Thái Hải kiểm tra vật tư, thiết bị bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.
​Năm 2020, hoạt động tham quan du lịch tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các lễ hội trên địa bàn tỉnh đều diễn ra an toàn. Trong ảnh: Nhân viên Khu bảo tồn Làng nhà sàn Thái Hải kiểm tra vật tư, thiết bị bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19.

Do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp nên trong mùa lễ hội năm nay, yếu tố bảo đảm an toàn cho nhân dân sẽ được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh đã xây dựng nhiều kịch bản ứng phó phù hợp. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT&DL.

P.V: Trước hết, xin đồng chí cho biết, trước diễn biến của dịch COVID-19 hiện nay, ngành VH-TT&DL đã tham mưu và chỉ đạo như thế nào đối với các lễ hội Xuân 2021?

Đồng chí Nguyễn Thị Mai: Dịp Xuân hàng năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 80 lễ hội được tổ chức. Trong đó có các lễ hội thu hút hàng vạn người dân tham gia, như: Lễ hội đình, đền, chùa Cầu Muối (Phú Bình), Lễ hội Chùa Hang (T.P Thái Nguyên), Lễ hội đền Đuổm (Phú Lương), Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa…

Đến thời điểm này, công tác tham mưu và ban hành văn bản chỉ đạo đối với các địa phương đã được Sở VH-TT&DL kịp thời thực hiện theo tinh thần bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc lĩnh vực VH-TT&DL nói chung và hoạt động lễ hội nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Song, đến nay, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đã lây lan ra 12 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có các địa phương giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên là T.P Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang. Để chủ động phòng tránh, các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh đã chủ động thông báo dừng tổ chức các lễ hội xuân Tân Sửu và các hoạt động có tập trung đông người của UBND T.P Thái Nguyên… Việc dừng tổ chức lễ hội vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của người dân, bởi chỉ dừng tổ chức các hoạt động phần hội có tập trung đông người để phòng tránh dịch, còn phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo phong tục truyền thống với đại diện cộng đồng tham gia.

P.V: Ngoài các lễ hội Xuân dừng tổ chức còn có một số lễ hội rải rác trong năm. Ngành VH-TT&DL có những định hướng và giải pháp cụ thể như thế nào để tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lễ hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Mai: Thực hiện nội dung này, Sở VH-TT&DL đã tham mưu cho UBND tỉnh đồng thời phối hợp với các địa phương triển khai những nội dung như: Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định của Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh; phối hợp quản lý Nhà nước đối với sở, ban, ngành trong công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, bảo đảm lễ hội được tiến hành trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả; xây dựng phương án bảo đảm công tác an ninh, trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân và du khách; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội…

Ngành cũng sẽ tăng cường phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách.

P.V: Tuy dừng tổ chức các lễ hội Xuân nhưng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động trong điều kiện bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch. Vậy, cần thực hiện những giải pháp như thế nào để bảo đảm an toàn trong điều kiện dịch bệnh, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thị Mai:  Sở VH-TT&DL đã chỉ đạo phòng văn hóa và thông tin các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với chính quyền địa phương thông tin, tuyên truyền, khuyến cáo, hỗ trợ cho nhân dân và du khách thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế như: kiểm soát thân nhiệt, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn, rửa tay bằng chất khử trùng, rút ngắn tối đa thời gian lưu lại di tích, danh thắng; bảo đảm giữ nguyên tắc không tập trung nhiều người cùng một thời điểm tham gia hoạt động dâng hương tại khu vực thờ tự và di tích.

Tại các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, chúng tôi bố trí có bảng biển hướng dẫn về nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế đối với việc phòng, chống dịch COVID-19; thông báo số điện thoại đường dây nóng cần hỗ trợ, báo cáo tình hình dịch bệnh về Sở Y tế. Ngành cũng yêu cầu ban quản lý các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bề mặt các khu vực trưng bày, khu làm việc và dịch vụ theo đúng quy định; tổ chức phân luồng, đón tiếp, hướng dẫn khách tham quan, bảo đảm giãn cách an toàn khi tiếp xúc.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Hà
(Thực hiện)