Với mong muốn tìm hiểu kỹ hơn về loại hình văn hóa đặc sắc này, tôi đã tìm gặp bà Bàn Thị Hồng, người có công lưu truyền và sáng tác hàng trăm bài hát sử dụng làn điệu Pả dung, hiện bà là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Pả dung của người Dao ở xã Phúc Chu.
Khi tôi đến, bà Hồng đang chăm sóc mấy khóm hoa hồng đang khoe sắc. Vừa làm bà vừa khe khẽ ngân nga “Ching nhụt ỏi tài tài diêm thảu, nhảy nhụt nguyin nguyin diện túu hìn”. Lời câu hát có nghĩa nhắc nhở con người ta rằng mùa Xuân tuy dài nhưng mùa Xuân cũng sẽ qua nhanh. Sự hữu hạn về mặt thời gian ấy khiến người nghe trân quý mùa Xuân hơn. Câu chuyện của tôi với bà Hồng bắt đầu như thế. Rồi bà giảng giải cho tôi nghe về hồn cốt của Pả dung.
Pả Dung là hình thức sinh hoạt văn nghệ phổ biến, có thể hát vào bất cứ thời gian nào, lời ca chủ yếu hình thành và tồn tại dưới dạng cấu trúc thơ, thể thơ thất ngôn. Trong Pả Dung, một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ; hai câu hợp lại thành một ý, hai ý trọn vẹn là một bài, khi hát có thể nhấn nhá, dùng từ đệm để kéo dài câu hát. Nội dung của lời hát rất phong phú và hấp dẫn, từ những hiện tượng tự nhiên: mây, mưa, trăng, gió, cỏ cây, hoa trái, núi đồi đến các sự kiện lịch sử, xã hội, câu đố, lời chào… nói lên tâm trạng và nguyện vọng của con người. Pả Dung truyền khẩu tự nhiên trong cộng đồng và được ghi chép lại trong các sách nghi lễ. Nhưng có một điều đặc biệt ở Pả dung là lời bài hát tuy có thể sáng tác cho phù hợp với từng hoàn cảnh xong giai điệu thì luôn giữ được nguyên mẫu làn điệu cổ, không hề bị pha tạp, lai căng. Do những mục đích và hoàn cảnh khác nhau, Pả Dung được chia thành nhiều thể loại: hát trong sinh hoạt (hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than...); hát trong nghi lễ (hát trong lễ cấp sắc, tết nhảy, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng...).
Trong trí nhớ của bà Hồng thì từ khi bà lên 7,8 tuổi đã được theo mẹ đi học hát Pả dung của một bà cụ trong làng. Người Dao lúc ấy ở trên các triền núi cao. Cứ vào tháng 10 âm lịch hàng năm, sau vụ thu hoạch, thanh niên nam nữ trong làng lại xuống núi, đi từ làng nọ sang làng kia để tìm nhau đối hát. Họ hát theo từng nhóm, giữa hai người với nhau hoặc tự hát, hát dọc đường đi, con trai hát theo về đến nhà con gái hoặc sẽ cùng nhau hát thâu đêm đến sáng. Câu hát sẽ giúp người hát ý nhị nói về tình trạng của bản thân và tìm hiểu về hoàn cảnh người trước mặt. Từ những làn điệu Pả dung mà nhiều đôi đã nên vợ thành chồng.
Trong đời sống tinh thần của người Dao, làn điệu Pả Dung không thể thiếu trong các nghi lễ. Đó là những câu hát, giai điệu của hát tín ngưỡng theo quy tắc, chuẩn mực rõ ràng. Nội dung giảng giải về nguồn gốc tổ tiên dòng họ, gửi lời cầu nguyện của con cháu tới tổ tiên và các vị thánh thần hoặc nói về tinh thần đấu tranh bất khuất của họ trong việc chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm, khuyên răn con người phải thấu hiểu đạo lý…
Tuy có sức sống mãnh liệt và là nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Dao, song trong dòng chảy của sự hội nhập và phát triển, có lúc Pả dung bị mai một. Bởi vậy, những người nặng lòng với Pả dung như bà Hồng không nguôi trăn trở. Từ nhiều năm nay, một mặt bà Hồng sưu tầm, sáng tác các bài hát mới, mặt khác bà thành lập các lớp dạy hát Pả dung cho người trong và ngoài xóm. Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi của bà, đến nay Câu lạc bộ Hát Pả dung của người Dao ở Phúc Chu đã được thành lập và duy trì với 22 thành viên. Nhiều người trẻ đã nhớ, đã thuộc và ngày càng yêu làn điệu của dân tộc mình.
Câu chuyện của chúng tôi kéo dài thật dài, đã đến lúc tôi phải nói lời tạm biệt bà Hồng, tạm biệt Phúc Chu. Thế nhưng đôi chân như chẳng muốn rời bởi lời Pả dung níu giữ: Đừng về, ở lại đây vui cùng gia đình, xóm làng…
Với giá trị tiêu biểu, Pả dung của người Dao được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018.