Những phút giây thần tiên
Tôi sinh cùng năm với T.P Thái Nguyên. Mới ba tuổi, thành phố đã mang trên mình chi chít vết thương bởi bom đạn Mỹ. Những công dân Thành phố phải rời mái ấm, vào rừng xanh, núi đỏ đào hầm tránh bom, trồng sắn, cấy lúa sinh nhai. Gia đình tôi chạy vào Phúc Trìu, ngày đó đồi núi heo hút lắm. Tôi nhập học trường cấp 1 Phúc Trìu. Nét chữ đầu tiên tôi được cô giáo cầm tay tô theo vết bút chì. Tay cô thô xước vì cầm cày, cầm cuốc. Tiếng thước kẻ gõ nhịp cho tiếng học vần cất lên trong lớp học mái rạ nem nép dưới rặng tre kẽo kẹt.
Bố mẹ tôi cực nhọc kiếm từng bữa ăn nuôi chị em tôi thế nào, đứa trẻ vài tuổi như tôi không nhớ. Chỉ nhớ Tết đến bao giờ chúng tôi cũng được mặc áo mới và ăn cơm với thịt. Nhưng, cái không khí ngan ngát hương đồi, bãi cỏ tít tắp và nụ cười trên khuôn mặt gầy gò của những người tôi gặp khiến lòng tôi da diết hơn tất thảy.
Làng nhỏ nơi gia đình tôi sơ tán nghèo lắm. Nhà nọ sang nhà kia phải trèo qua quả đồi đầy guột và tổ ong. Đàn ông hầu hết ra chiến trường, phụ nữ ở nhà cấy hái, nuôi con. Trên đồng, ngoài bãi, tấm áo nâu sũng mồ hôi, chiếc khăn mỏ quạ quấn tóc gọn gàng, gò má nhô cao sạm nắng gió của các bà, các cô… là hình ảnh in đậm nhất trong trí nhớ tôi.
Nhưng ba ngày Tết, mọi tất tả lo âu được mọi người cất kỹ. Chẳng biết nguồn gốc từ đâu, nhưng từ đêm Ba mươi đến hết ngày mùng Ba Tết, cha mẹ không nặng lời, con trẻ không làm điều trái ý người lớn, hàng xóm thân thiết vui vẻ, ra đường, ra chợ gặp ai cũng cười và chúc nhau những lời đầm ấm. Cô tôi ngồi tuốt trứng chấy trên tóc tôi, chờ nồi nước vỏ bưởi, lá sả, hương nhu sôi sùng sục thì “vợi” ra chậu pha cho tôi tắm. Vừa làm cô vừa rì rầm giảng giải: “Tết mà mắng mỏ nhau là cả năm bị “dông”, có giận nhau đến mấy thì Tết cũng phải vui vẻ cháu ạ”. Tôi mong đến ngày Ba mươi và mong ba ngày Tết trôi thật chậm để được bơi trong lời dịu ngọt, trong ánh mắt dịu hiền và nụ cười từ trong nhà ra ngõ. Ấy là những phút giây thần tiên nhất của tuổi thơ tôi.
Ngăn tủ cổ tích
Cỗ máy thời gian đẩy tôi lớn lên, lam chủ gia đình cùng bao lo toan. Phòng làm việc của tôi nhìn ra con phố trồng cây hoa sữa. Chừng 20 Tết, dưới gốc cây, người ta căng dây nhận chỗ bán hàng. Đầu tiên là hàng sành sứ: lọ hoa, chậu cảnh, bát, đĩa bày tận mép vỉa hè. Rồi đến cây dáng thế lộ diện phô bao nét kỳ bí kiêu sa. Tiếp là đào, quất và hoa tươi khoe sắc. Nhưng tôi không cảm xúc nhiều trước những thứ roi rói, trĩu trịt, sum suê kia, mà cứ lấn cấn nghĩ về hộp cơm khô khốc, ngụm nước uống vội và dáng nằm co ro của những người bán hàng. Có đêm sắp Giao thừa mà đào, quất còn rợp vỉa hè, họ đành bán tống bán tháo mong kịp về với vợ con trước thời khắc bước sang năm mới. Cặp mắt trũng sâu thiếu ngu chẳng tươi lên được bởi nhan sắc của hoa đào.
Những ngày cuối năm ấy, tôi thường bước chậm khi qua hàng quần áo chất đống vỉa hè, rưng rưng nhìn bà mẹ tất tưởi đèo con trên xe đạp, dừng lại chọn cho con bộ quần áo hạ giá. Đứa trẻ vui sướng xỏ tay vào cái áo đường may ẩu thả, cái quần lòa xòa vải ni - lông sột soạt, không biết mẹ nó quay đi giấu giọt nước mắt người nghèo.
Ngày Tết, thiếu gì thì thiếu, cha mẹ không để con mình mặc quần áo cũ. Tôi lo quần áo mới cho con ngay khi cái Tết năm trước vừa đi qua. Đến tháng lĩnh lương tôi bớt ra, lúc mua cái áo, lúc sắm cái quần, thêm đôi giày, cái khăn, cái mũ… cất kín trong ngăn tủ bàn làm việc. Tận hai tám, hai chín Tết, tôi mới mở ngăn cổ tích, mang cái bọc chắt chiu ấy về. Nhìn hai đứa con reo vui, oa oa nhảy nhót trước món quà bất ngờ đã thấy đủ đầy hạnh phúc. Nghĩ mà thương lắm, vì con học cấp 3 rồi vẫn chỉ được mặc đồ mẹ chọn. Lai có khi không tính được độ lớn của con, quần áo ngắn cũn lửng lơ, tôi vội mang ra hàng may chợ Thái xuống gấu để cho con kịp diện Tết. Ngăn tủ cổ tích còn có chiếc hộp bí mật. Đồng tiền lẻ mới tinh trong bao lì xì mua từ chương trình thiện nguyện. Đêm Giao thừa, chờ chồng đưa các con ra phố xem bắn pháo hoa trở về xông nhà, tôi trao tấm lì xì đỏ thắm, chúc các con sang năm mới học thật giỏi, sống thật vui.
Đón giao thừa trực tuyến
Năm qua đi, tháng qua đi, chợt thấy đôi vai nặng trĩu tuổi tác. Ngày nào gom góp từng đồng sắm áo mới cho con thì bây giờ cuối năm được con tặng áo tặng khăn kèm lời dặn: Bố mẹ nhớ mặc ấm, tuổi già không chủ quan được đâu.
Ồ, cũng phải. Tuổi chân sáo uống hạnh phúc từ ánh mắt, nụ cười cha mẹ; tuổi lo toan lấy nụ cười con cái làm năng lượng sống cho mình; và tuổi xế chiều, lại trở thành nỗi lo âu cho người khác. Hai đứa trẻ vụt theo cuộc đời của chúng, để lại nồi nước mùi già đẫm thơm vào bâng khuâng. Tết này con không về được. Cả thế giới kẹt trong xa cách bởi dịch bệnh. Những chuyến bay dễ dàng cất cánh ngày nào trở thành ước mong xa xỉ. Con bé nhỏ giữa tâm dịch bủa vây. Chỉ cầu cho con an toàn, không dám mong được ôm con trong vòng tay đêm Giao thừa. “Mẹ đừng buồn. Nhà mình cùng ăn cơm trực tuyến nhé” - con nhắn về như thế.
Lại phải cảm ơn “anh” công nghệ cứu cánh lúc này. Chỉ mấy thao tác trên điện thoại là cả gia đình quây quần như bên mâm cơm tất niên ngày nào. Tiếng lách cách bát đũa, hơi cơm bốc trắng, sợi gân xanh trên tay con, bông tuyết rơi rơi ngoài cửa sổ… cha mẹ nhìn thấy cả. Chỉ tiếc các con không ngửi thấy mùi hành hoa tỏa lên từ đĩa nem rán giòn và mùi hương trầm thân thương lan ra từ phòng thờ nhà mình. Nhưng biết sao được, cuộc sống biến đổi vô thường, nghiệt ngã đấy mà cũng hấp dẫn đấy bởi không ai biết trước điều gì cua ngaây mai.
Trở về thời son rỗi, ngắm vận thế vần xoay bằng con mắt điềm tĩnh, tôi thấy cuộc đời đã cho mình nhiều thứ quý. Nhất là đã cho một trái tim nhạy cảm yêu thương và chia sẻ; cho một ngăn ký ức mơ mộng mà không bi lụy; cho một tuổi thơ thứ hai thơm phức tình người.
Trong gió lạnh đã phơ phất những hạt mưa. Ông trời đang tung lãng mạn xuống trần gian. Tôi đón hạt Xuân với con tim háo hức như tuổi ấu thơ ngày nào.