*Năm Tân Sửu (41): Hai Bà Trưng, sau khi khởi nghĩa lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán, đã xưng vương, xây dựng và củng cố nhà nước độc lập, thiết lập chế độ quân chủ nữ quyền đầu tiên ở Việt Nam.
Mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 sau Công Nguyên) một cuộc khởi nghĩa đồng loạt, rộng lớn, mãnh liệt đã nổ ra nhân việc Thái thú (quan cai trị nhà Hán) ở Giao Chỉ (miền đồng bằng Bắc Bộ) là Tô Định giết hại Thi Sách. Mùa xuân năm ấy tại đất Mê Linh (Vĩnh Phúc), Hai Bà Trưng đã làm lễ tế cờ khởi nghĩa. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hai Bà Trưng đã quét sạch giặc thù khỏi bờ cõi và được tôn làm vua, đứng đầu đất nước độc lập trong thời gian ba năm (từ năm 40 đến năm 43). Năm Tân Sửu (41), nhà Hán sai Phục Ba tướng quân Mã Viện cầm đầu đại quân sang tái xâm lược, Hai Bà Trưng đã dũng cảm đương đầu cùng quân giặc, tổ chức kháng chiến đánh những trận lớn từ Tây Vu, Lãng Bạc đến Cấm Khê và cuối cùng đã hy sinh anh dũng tại dòng sông Hát vào ngày mồng sáu tháng hai năm Quý Mão (năm 43)
*Năm Tân Sửu (1001): Vua Lê Đại Hành dẹp yên được giặc Cử Long tại Thanh Hóa.
Khi cha con Đinh Tiên Hoàng bị giết hại, Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi vua. Nhân cơ hội đó, Nhà Tống cho quân sang xâm lược nước ta. Vì lợi ích của dân tộc, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao ngôi vua cho Lê Hoàn. Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi vua lấy niên hiệu là Lê Đại Hành, vẫn lấy tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư. Ngoài các cuộc chiến với nhà Tống, nước Chiêm, nước Đại Cồ Việt khi đó còn phải đối phó với các cuộc nổi loạn trong nước. Sau nhiều lần dẹp thù trong giặc ngoài, năm Tân Sửu 1001, Lê Đại Hành đích thân chỉ huy quân đi dẹp tan cuộc nổi dậy của người Cử Long (miền Tây Thanh Hóa). Quân Cử Long bày trận hai bên bờ chống lại, quan quân bị hãm ở giữa sông, vua cũ (nhà Đinh) là Vệ Vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua thúc quân tiếp tục đánh, quân Cử Long tan vỡ.
*Năm Tân Sửu (1481): Vua Lê Thánh Tôn lập nhiều đồn điền khắp nơi trong nước để sản xuất thêm lương thực và tạo thêm việc làm cho quân sĩ trong thời bình.
Vua Lê Thánh Tông được lịch sử ca ngợi là người tài giỏi, có tinh thần cải cách táo bạo và một ý chí tự cường dân tộc mạnh mẽ. Trong suốt 38 năm trị vì, ông đã có nhiều quyết sách đổi mới táo bạo, trong đó có việc lập các đồn điền trong cả nước. Theo sách Việt sử thông giám cương mục thì, năm Hồng Đức thứ mười hai, 1481, vua Lê Thánh Tông hạ chiếu lập 43 sở đồn điền trong cả nước nhằm "dùng hết tiềm lực của nghề nông, mở rộng nguồn trích trữ cho nhà nước". Trong 43 sở đó, vùng ven Thăng Long cũng có những sở, như Quán La Sở, Minh Cảo Sở (sau đổi gọi là Xuân Tảo Sở), Yên Sở... Sở đồn điền lập ra trên làng nào thì lấy tên làng đó mà gọi tên Sở, và cũng có thể những Sở đồn điền sau trở thành vùng dân cư trù phú và nó trở thành tên làng, thôn.
* Năm Tân Sửu (1841): Thời nhà Nguyễn, vua Thiệu Trị cho cho kiểm kê hành chính trong cả nước, vẽ bản đồ từng tỉnh khắp lãnh thổ Việt Nam để dùng trong lĩnh vực quân sự và hành chính.
Ngoài ra nhà vua nghiêm cấm quan lại khi đi công tác không được nhũng lạm và gây kinh động dân chúng điạ phương. Kết quả kiểm kê cho biết: Cả nước có 970.516 xuất đinh (nam giới trong độ tuổi làm nghĩa vụ đi phu đi lính và đóng thuế thân, từ 18 đến 50 tuổi); ruộng đất cả nước có 4.063.892 mẫu (tức 1.463.000ha); thóc thuế cả nước thu được 2.804.774 hộc (một đơn vị đo lường cổ bằng 12 triệu hạt thóc, khoảng 120kg), tức khoảng 335.000 tấn; tiền thuế cả nước thu được 2.852.462 quan (tiền cổ, 1 quan = 10 tiền, 1 tiền = 60 đồng); thuế vàng thu được 1.471 lạng (lạng ta bằng 37,5g), tức 55kg; thuế bạc thu được 121.114 lạng, tức 4.540kg; binh lính các loại từ Trung ương đến các tỉnh có 212.290 người... Đây là đợt kiểm kê để lại số liệu rất giá trị trong lịch sử.
*Năm Tân Sửu (1901): Phan Chu Trinh đậu Phó bảng tiến sĩ.
Cùng đỗ khóa này có danh nhân Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và thân sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh là cụ Nguyễn Sinh Sắc. Sau khi đậu phó bảng, Phan Chu Trinh được triều đình Huế bổ làm Thừa biện Bộ Lễ nhưng chẳng bao lâu thì từ quan. Sau từ quan, ông tham gia hoạt động cứu nước, kết giao vơi nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng và Phan Bội Châu. Ông và Phan Bội Châu tâm đắc về nhiệt huyết cứu nước, nhưng ông không tán thành đường lối của Phan Bội Châu dựa vào Nhật để đấu tranh vũ trang chống Pháp. Ông cùng các bạn đi khắp Việt Nam cổ vũ đấu tranh và liên kết trí thức, văn sĩ yêu nước.
*Năm Tân Sửu (1961): Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) được triển khai với những mục tiêu quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội.Sau khi căn bản hoàn thành nhiệm vụ cải tạo các thành phần kinh tế (1958-1960), kinh tế xã hội miền Bắc có những chuyển biến quan trọng và mở ra một điều kiện mới để đưa miền Bắc tiến lên theo con đường XHCN. Trước tình hình thực tiễn như vậy, tháng 9-1960 Đảng ta đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III sau 9 năm kể từ tháng 2/1951, Đảng ta mới tiến hành Đại hội nhiệm kỳ. Trong diễn văn khai mạc Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát: “Đại hội lần thứ II là Đại hội kháng chiến. Đại hội này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà”. Báo cáo chính trị của Đại hội đã xác định cách mạng nước ta trong giai đoạn mới có hai chiến lược cách mạng cùng song song phải tiến hành là: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đại hội thông qua đường lối chung của cách mạng Việt Nam, đường lối phát triển kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở miền Bắc nước ta và thông qua báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng và phương hướng nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Ðây là một trong những giai đoạn được coi là thành công nhất của thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội sau kháng chiến chống Pháp, và năm 1961 là năm đầu tiên ra quân đầy khí thế.
Cũng trong năm này, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam được tổ chức xuống đến tận cơ sở khắp miền Nam, đánh dấu sức bật mới của phong trào cách mạng miền Nam.