Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên hệ làm việc với một số sở, ngành của tỉnh và T.P Thái Nguyên. Theo đó, tháng 5-2010, UBND tỉnh đã ủy quyền cho UBND huyện Đồng Hỷ ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư là Công ty CP Xây dựng giao thông II Thái Nguyên (Công ty) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cầu Ba Mố trên tuyến đường nối cầu treo Bến Oánh và đường ĐT 269 theo hình thức BOT.
Cầu có quy mô bản bê tống cốt thép, nhịp đơn giản với tổng mức đầu tư trên 2,9 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 11 năm 6 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó Giấy chứng nhận đầu tư mà Công ty được cấp vào tháng 11-2010. Như vậy, Công ty sẽ hết thời hạn thu phí và phải bàn giao lại cho UBND T.P Thái Nguyên tiếp quản, sử dụng công trình này vào thời điểm tháng 5-2022.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người băn khoăn chính là thời hạn 11 năm 6 tháng để thu hồi vốn cho cây cầu chỉ có tổng mức đầu tư hơn 2,9 tỷ đồng kia liệu có hợp lý?, Câu hỏi đặt ra là bởi các lý do sau:
11 năm 6 tháng là khoảng thời gian để Công ty CP xây dựng giao thông II tỉnh kinh doanh và thu hồi vốn đầu tư Cầu Ba Mố trước khi bàn giao cho địa phương quản lý.
Thứ nhất, tại thời điểm đầu tư dự án, giá vé qua cầu thực hiện theo Quyết định số 12/2010/QĐ-UBND-SXKD ngày 15/6/2010 của UBND tỉnh. Cụ thể, với xe mô tô 2 bánh sẽ có mức thu là 2.000 đồng/lượt; xe con dưới 12 chỗ ngồi là 12.000 đồng/lượt; xe ô tô từ 12 chỗ ngồi trở lên là 16.000 đồng/lượt... Đến năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 20/12/2016 phê duyệt giá dịch vụ qua cầu treo trong đó có cầu treo Bến Oánh (thu cho dự án cầu Ba Mố) theo hướng tăng giá đối với từng loại phương tiện lưu thông qua cầu. Tương ứng, với xe mô tô 2 bánh sẽ có mức thu là 2.500 đồng/lượt; xe con dưới 12 chỗ ngồi là 15.000 đồng/lượt; xe ô tô từ 12 chỗ ngồi trở lên là 20.000 đồng/lượt… Mức giá thu phí cầu tăng, tại sao thời hạn kinh doanh và thu hồi vốn của doanh nghiệp lại vẫn được giữ nguyên là 11 năm 6 tháng..?
Thứ hai, đại diện Công ty CP Xây dựng giao thông II đã từng thông tin: Thời gian đầu khi mới triển khai thu phí, tại cầu treo Bến Oánh, việc thu phí khó khăn, có ngày chỉ đạt gần 3 triệu đồng/ngày, trong khi đó dự kiến thu là 8 triệu đồng/ngày. Hiện, doanh thu tại cầu treo Bến Oánh trên đạt hơn 5 triệu đồng/ngày.
Câu hỏi lớn dư luận đang đặt ra là trên thực tế có cần đến 11 năm 6 tháng để hoàn tất quá trình thu hồi vốn này? Và việc kiểm tra, giám sát việc thu phí công trình cầu Ba Mố trong những năm qua đã được thực hiện như thế nào?.
Lời của nhiều bậc cao niên ở Linh Sơn khiến chúng tôi thấy chạnh lòng. Cùng nằm trên địa bàn T.P Thái Nguyên nhưng người dân xã Linh Sơn vẫn phải mất phí qua cầu khi muốn đến trung tâm thành phố. Cây cầu này vẫn như một lằn ranh ngăn cách hai phía vậy!.
Ngay sau khi Báo Thái Nguyên đăng tải bài viết “Cầu xây một nơi, thu phí một nẻo” ngày 9-3, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị UBND T.P Thái Nguyên và các đơn vị liên quan kiểm tra làm rõ thông tin phản ánh trong bài viết và phản hồi cho cơ quan báo chí theo quy định tại Điều 43 Luật Báo chí, báo cáo UBND tỉnh về kết quả hoặc biện pháp giải quyết. Đồng thời gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 16/3/2021.