Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29/4/1950 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là nhà văn đương đại Việt Nam nổi tiếng trong các thể loại kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo.
Thuở nhỏ, ông cùng gia đình lưu lạc khắp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, từ Thái Nguyên qua Phú Thọ, Vĩnh Yên… Vì thế, nông thôn và những người lao động để lại nhiều dấu ấn khá đậm nét trong những sáng tác của ông.
Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu khá muộn với các truyện ngắn đăng trên Báo Văn Nghệ. Bên cạnh truyện ngắn, ông còn viết kịch, tiểu luận, trong đó thành công nhất là truyện ngắn. Với hơn 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học gây chú ý, Nguyễn Huy Thiệp được xem là một “hiện tượng hiếm” của văn đàn Việt Nam.
Các tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: Tướng về hưu, Muối của rừng, Không có vua, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Thương nhớ đồng quê, Sang sông, bộ ba truyện ngắn lịch sử Kiếm sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…
Tên tuổi của ông vượt ra thế giới với nhiều cuốn sách xuất bản tại Pháp, Mỹ, châu Âu. Một số tác phẩm của ông được chuyển thể thành phim, kịch.
Khoảng đầu năm 2020, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp bị tai biến nặng, được gia đình chăm sóc nên có thể trở dậy. Nhưng vài lần tai biến tiếp theo khiến sức khỏe của ông yếu dần.
Ông từng nhận được Huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino, Italy (2008). Tháng 3/2021, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có tên trong danh sách đề nghị xét tặng Giải thưởng văn học Nhà nước với hai truyện ngắn “Tướng về hưu” và “Những ngọn gió Hua Tát”.