Cập nhật: Chủ nhật 11/04/2021 - 15:24
Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Sau gần năm năm làm hướng dẫn viên du lịch, hôm nay tôi được nhận hướng dẫn một người khách đặc biệt là ông Uy-li-am, một nhà báo từ Mỹ sang. Tôi hiếu kỳ vì một phần đó là một nhà báo sang tìm hiểu những di tích có liên quan đến cuộc chiến tranh chống Mỹ giải phóng miền Nam, một phần là do Giám đốc công ty nói ông ta chọn tôi làm hướng dẫn viên.

Tôi giới thiệu qua quần thể di tích và kế hoạch lịch trình, ông ta lắng nghe rồi từ tốn bảo:

- Cảm ơn cô, nhưng tôi xin điều chỉnh thời gian một chút. Tôi muốn ở lâu hơn tìm hiểu về Thạch Sơn. Chắc không có gì khó khăn chứ, vì tôi biết đề tài thạc sĩ của cô chính là viết về ngọn núi này phải không?

Lạ nhỉ, sao ông ta lại rành rẽ như vậy. Nhưng với kinh nghiệm nhiều năm làm hướng dẫn viên du lịch, tôi trả lời ngay:

- Vâng, sẽ theo ý của ông. 

Bất ngờ, ông ta mở cặp lấy ra một tấm bản đồ chỉ to bằng tờ giấy in mở rộng, trên ghi “Bản đồ làng Thủy Sơn”. Tôi nhận ngay ra đây chính là bản đồ khu du lịch này nhưng chưa hề có các địa điểm du lịch, chỉ như bản đồ địa hình mà thôi. Tôi vô cùng ngạc nhiên hỏi:

- Đây chính là địa hình xưa mà tôi đã thấy trong bảo tàng của tỉnh. Ông lấy đâu ra? 

- Tôi được bố tôi vốn là một sĩ quan chỉ huy đã từng tấn công khu vực này đem về Mỹ. Trước khi mất, ông dặn tôi là hãy giữ lấy, khi nào có điều kiện thì đến thăm và tìm hiểu về vùng đất thiêng này. Còn bây giờ ta lên đường chứ?

Xe chúng tôi nhịp nhàng đi thăm các điểm du lịch nhỏ. Ông Uy-li-am tỏ ra không mặn mà với các cơ sở này. Đến đâu ông cũng hỏi vài câu, đại loại là: - Trước đây lúc Thạch Sơn bám trụ được thì nơi này có gắn kết liên lạc với nhau không? Ở đây có nhiều người tham gia chiến đấu trên đó không?

Ông nghe rất nghiêm túc. Mỗi nơi ông đều ghi lại một vài bức ảnh. Tôi tôn trọng ông nhưng có ý khẩn trương vì ông muốn dành nhiều thời gian cho Thạch Sơn.

Tôi nói nhấn mạnh từng chữ: - Chắc ông muốn tìm hiểu thêm về cuộc chiến tranh nhân dân của đất nước tôi chăng?

Vâng, Thạch Sơn nằm ở đây tức là trong lòng của nhân dân. Các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ ngọn núi này, họ chính là những người tiều phu đốn củi, là người nông dân cày ruộng và các ngư dân đánh cá. Ông có thể gặp họ mà không hề hay biết họ là chiến sĩ.

- Trời, cô nói hay quá. - Ông ta nói.

Còn cách chân núi khoảng trăm mét thì ông đề nghị xe dừng lại. Tưởng đường đá lởm khởm mệt nên xin nghỉ. Vừa bước xuống, ông ta đã ngước nhìn lên, mắt ngạc nhiên hỏi:

- Đây chính là Thạch Sơn hả cô? Nó chẳng khác gì các quả núi khác, chỉ vài nghìn mét vuông, cũng toàn là đá chồng lên đá, cây cối xanh rì, mà sao nó lại rất thiêng đến như thế. Thế mà hàng nghìn quả đạn pháo bắn vào nó gần như không sứt sát. Đánh vài chục lần mới thắng một lần. 

- Vâng, vì đỉnh nó được mây trời che phủ, chân nó bám vào lòng đất, tuổi của nó hàng ngàn năm, càng ngày càng săn chắc lại, càng bắn vào càng gắn kết.

Ông ta mở túi lấy ra một cái ống nhòm.

Tôi buột miệng hỏi:  -Ông tìm cái gì vậy?

- Tôi tìm xem còn vết tích chiến tranh không, mà không thấy cô ạ. Sự hồi sinh kỳ lạ. Quả là thiêng thật.

Chúng tôi vào hang. Giữa hang là một khoảng trống. Sát vách đá là một bàn thờ to, làn hương bay bay vờn quanh rồi tỏa vào các khe đá. Trên vách đá gắn tên các chiến sĩ đã hy sinh ở nơi đây. 

Ông Uy-li-am thắp hương khấn: - Thay mặt cha tôi và đồng đội của ông xin có lời tạ lỗi với hương hồn các ông bà. Bây giờ đến đây là quá muộn nhưng còn có lời sám hối và lời cảm phục với những người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ ngọn núi này.
Thắp hương rồi ngồi xuống phiến đá, ông kể cho tôi nghe trận chiến đấu khốc liệt giữa đơn vị cha ông và quân dân Thạch Sơn.

***

Do đánh nhiều lần không chiếm được núi nên bộ chỉ huy tổng hợp của Mỹ Ngụy đã huy động tiểu đoàn súng phun lửa, pháo bắn thẳng hòng thiêu rụi quả núi này. Đơn vị cha tôi tiến trước nhằm tiêu hao lực lượng của du kích và đánh lạc hướng. Khi hai bên đang đối kháng quyết liệt thì được lệnh lui xuống cho đơn vị súng phun lửa tiến lên. Các khẩu súng khạc lửa có sức mạnh ghê gớm đã dồn lực lượng du kích vào hang. Súng phun lửa tiếp tục xả lửa vào hang. Quân Mỹ tin sẽ thiêu sạch du kích vì  phía sau núi đã có một lực lượng chặn hậu.

Khi đơn vị cha tôi tiến vào thì chỉ có hơn chục người bị thương nặng nằm lại. Còn họ như có phép màu biến đi đâu hết. Một sĩ quan chỉ huy hỏi một chiến sĩ còn thở: - Quân du kích biến đâu rồi?

Mặc dù bỏng gần như toàn thân nhưng người lính đó cố nở nụ cười như không hề đau đớn, nói trong hơi thở: -Sao tiêu diệt được họ. Họ đã lên đỉnh núi bằng đường con thằn lằn. Họ sẽ quay lại tiêu diệt bọn mày. 

Đêm đó đơn vị cha tôi ngủ lại hang. Càng khuya đá càng lạnh. Bỗng có tiếng gì đó như đá va vào nhau, lúc đầu thưa sau cứ tăng dần, dồn dập, tiếng to, tiếng nhỏ, rồi có tiếng hú của loài thú gì đó, tất cả như một âm thanh hỗn tạp đập vào tai, xé vào óc. Tất cả bảo nhau nằm sát lại, cố bịt tai mà không ngăn được. Cha tôi sợ hãi điện cho chỉ huy xin cho ra ngoài nhưng không được. Họ lại đốt lửa, uống rượu, hò hét cho đỡ sợ. Âm thanh đó đến sau này về nước cha tôi nhiều đêm ngủ vẫn mơ, vùng dậy sợ hãi. Vậy cô có biết đó là tiếng gì không?

Đang nghe ông ta kể, bị hỏi bất ngờ. Nhưng vốn đã nghe nhiều câu chuyện thần thoại vùng này nên tôi bình tĩnh bảo: -

Đó là tiếng vọng của gió, của cây và của hồn những người đã khuất tạo thành hồn của đá. Quân xâm lược không thể hiểu được sức mạnh của hồn thiêng dân tộc Việt Nam đâu ông ạ. 

Ông Uy-li-am mặt trầm ngâm như nghĩ về một điều sâu xa rồi nói: -Vâng. Chuyện ở đây là thực mà lại rất thần thoại. Phải không cô?

Nguyễn Đình Tân