Trâm là con gái út của anh Phương, nhà kế bên tường rào nhà tôi. Sinh ra Trâm đã bị thiểu năng trí tuệ và một loạt bệnh tình nghiêm trọng khác, con bé phải đi viện điều trị liên miên. Bác sĩ xét nghiệm kết luận Trâm bị di chứng của chất độc màu da cam. Dạo ông Hạnh, bố anh Phương mất, sang nhà tôi chơi, anh tâm sự: “Lúc nghe tin, bố anh đã ôm mặt khóc rồi ốm liệt giường, tưởng ra đi từ đận ấy…”. Có lẽ việc Trâm là cháu cũng mắc di chứng làm ông suy sụp và không thể qua khỏi.
Hồi nhỏ, tôi cũng đã chứng kiến ông Hạnh có những ngày tháng đau khổ đến cùng cực. Đi bộ đội về ông xây dựng gia đình, nhưng ba lần vợ ông sinh nở thì cả ba đứa con chỉ là những hình thù kỳ quái và chết yểu khi vừa lọt lòng mẹ. Từ một người lính kiên cường trong chiến đấu, ông trở lên yếu đuối mỗi lần đứa con được sinh ra. Mãi tới lần thứ tư ông bà mới sinh được anh Phương. Anh lành lặn khỏe mạnh và là người duy nhất của làng lúc bấy giờ thi đỗ vào đại học. Tôi không hiểu tại sao thứ chất độc ấy lại gieo tang tóc dai dẳng đến đời cháu của ông Hạnh như thế.
Bà tôi kể những năm kháng chiến chống Mỹ, ông Hạnh chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Khi vợ sinh những đứa con không nguyên vẹn hình hài, đi xét nghiệm ông mới biết mình bị nhiễm chất độc màu da cam. Dù ông Hạnh là thương binh, nhưng nỗi đau thể xác không hành hạ ông đau đớn bằng nỗi đau tinh thần…
Ngày còn bé, Trâm cũng được bố mẹ cho đi học, nhưng do không được minh mẫn như những đứa trẻ khác, bốn năm liền Trâm không qua nổi lớp một nên bố mẹ Trâm đành để con ở nhà. Năm mười tuổi cô bé vẫn còi cọc và trí nhớ không được như đứa trẻ lên năm. Tuy vậy, Trâm cũng không đến nỗi ngẩn ngơ như nhiều đứa trẻ thiểu năng tôi từng gặp.
Bố mẹ đi làm, các anh cũng lên thành phố công tác, nhà chỉ còn mình Trâm. Một bận cả làng tá hỏa nghe tin Trâm mất tích và đổ xô đi tìm. Hôm sau người ta phát hiện Trâm lang thang dọc khe núi cách làng mười cây số. Không biết Trâm nghe ở đâu việc mình bị bệnh do giặc Mỹ gây ra. Mọi người hỏi, cô trả lời ráo hoảnh: “Cháu đi tìm thằng giặc Mĩ”. Sau lần ấy, anh Phương cho xây tường rào, làm cổng sắt, mỗi khi có việc ra khỏi nhà, anh chị đều khóa cổng nhốt con bên trong.
Một buổi sang nhà thấy Trâm ngồi khóc dấm dứt, tôi hỏi Trâm chỉ úp mặt vào lòng tay lắc đầu. Chị vợ anh Phương kể: Hôm trước, có mấy bác cựu chiến binh sang chơi. Một bác kể hồi ở Trường Sơn, máy bay Mĩ đánh phá ác liệt. Cây cối gãy đổ, trụi lá. Duy chỉ có những nhành lan rừng vẫn luôn tươi xanh. Ở nơi sự sống và cái chết cận kề ấy, hoa lan như người lính, bất chấp đạn bom hoa vẫn nở. Từ hôm ấy, Trâm nằng nặc đòi bố mẹ mua cho nhành lan rừng. Rõ khổ, ở làng này thì đào đâu ra lan... Nghe vậy tôi ngoắc tay với Trâm, hứa sẽ mua cho cô bé một giò lan, đẹp như nhành lan rừng Trường Sơn của những người lính.
Không khó để tôi tìm được một giò lan trong dãy hàng hoa phía sau quảng trường thành phố cho Trâm. Tôi chọn loài quế lan hương vì nghe nói nó là loài hoa mọc ở núi cao, hoa kết thành chùm màu vàng rất đẹp và có hương thơm của quế. Nhận giò lan tôi tặng, Trâm lặng người ngắm hoa và hít hà làn hương thơm say đắm, không hề có biểu hiện của trẻ bị thiểu năng. Hồi lâu Trâm tỏ ra nghi ngại: “Chú cho cháu thật chứ?”. “Thật chứ sao không. Người lớn luôn biết giữ lời hứa. Nếu cháu yêu nó, hết mùa hoa này, sang năm hoa lại sẽ nở”. Tôi treo giò lan bên cành hồng xiêm trước cửa và hướng dẫn Trâm cách chăm sóc để lan không bị cằn cỗi. Từ hôm ấy Trâm vui vẻ, hoạt bát hẳn. Sáng nào ngủ dậy Trâm cũng ra ngắm giò lan.
Bỗng dưng một chiều Trâm đòi mẹ cho mang chổi quét đoạn đường làng chạy qua cổng. Những tưởng chỉ một buổi có điều gì đó thôi thúc, nào ngờ ngày nắng cũng như mưa Trâm đều mang chổi quét đoạn đường làng, bố mẹ can ngăn thế nào cũng không được. Ai hỏi Trâm đáp: “Cháu yếu không thể đi làm, quét đường để mọi người đi cho sạch”. Khi làng tôi phát động trồng hoa dọc đường làng, ngõ xóm, Trâm được bố mẹ hướng dẫn trồng và chăm sóc cây hoa một đoạn qua ngõ. Anh Phương nói với tôi: “Nó không được như mọi người, nhưng phải biết làm những điều tốt đẹp của con người”.
Dù sức khỏe mỗi ngày một xấu, Trâm vẫn không chịu nằm nhà mà thường xuyên ra quét dọn, chăm đoạn đường hoa. Nhiều buổi đi vắng, bố mẹ Trâm cũng không còn phải khóa cổng nhốt con bên trong. Dường như giò lan trước sân và các công việc thường nhật Trâm thích làm đã níu giữ cô bé. Ngồi chơi với tôi, Trâm nói như người không mang bệnh: “Bố cháu bảo chăm ngoan sẽ hết ốm. Bao giờ lớn, bố sẽ cho cháu vào thăm Trường Sơn, nơi ông cháu đánh Mỹ”. Tôi hùa theo cốt để Trâm vui: “Đúng rồi đấy cháu. Trường Sơn giờ hết bom đạn, có nhiều loại hoa lan đẹp. Tha hồ cho cháu mang về chăm”. Trâm vui sướng: “Chú đi cùng chứ”. “Chú sẽ đi cùng bố con cháu”. “Chú hứa đi”. Tôi ngoắc tay với Trâm nhưng lòng dạ đắng đót, bởi biết mình lừa dối một đứa trẻ đang mang bệnh không thể cứu chữa.
* * *
Tôi bất ngờ khi thấy Trâm nằm thiêm thiếp, khuôn mặt đã biến sắc, nhợt nhạt tái xanh, cây cột phía cuối giường treo giò hoa lan. Mẹ Trâm nói nhỏ: “Nó đòi mang tới treo bên giường chờ hoa nở”. Bất chợt phía tim tôi nhói lên từng chặp. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau còn mãi. Thứ chất độc quái ác đang len lỏi cướp đi của Trâm từng giây phút sống…
Mùa này giò quế lan hương đã trổ nụ. Những nụ non biếc nõn e ấp chờ bung ra cánh hoa vàng. Tôi tin ngày mai hoa sẽ nở để Trâm kịp ngắm màu hoa và mang theo làn hương đi đến cuối con đường...