Cập nhật: Chủ nhật 25/04/2021 - 09:52
Hát cải lương, thú vui theo suốt cuộc đời Nghệ sĩ Trần Yên Bình.
Hát cải lương, thú vui theo suốt cuộc đời Nghệ sĩ Trần Yên Bình.

Trong làng sân khấu điện ảnh Thái Nguyên, nhiều người gọi Nghệ sĩ Trần Yên Bình, tổ 1A, phường Tân Lập (T.P Thái Nguyên) bằng một cái tên ấn tượng: “Mật danh A20”. Thoạt tiên, tôi ngỡ anh là nhà tình báo quân đội, nhưng gần gũi mới vỡ lẽ: Anh là nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Bắc Thái. Anh thủ nhiều vai diễn thành công, nhưng “Mật danh A20” được bạn diễn và công chúng ấn tượng mến mộ hơn cả.

Anh chia sẻ: “Mật danh A20” là tên một vở diễn của Đoàn. Tôi thủ vai Đại úy Hiệp, một sĩ quan Cộng sản cài cắm vào hàng ngũ địch và mang mật danh này… Vâng! Nhiều nghệ sĩ được nhân dân mến mộ, biết đến thông qua vai diễn, và được gọi bằng tên nhân vật trên sân khấu. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ chân chính. Nghệ sĩ Trần Yên Bình là một trong những người như thế. Anh đã sắm hàng chục vai diễn, mỗi vở diễn là một cái tên, như các vai: Sùng Ân trong vở “Nùng Văn Vân”; Triệu Trung trong vở “Rừng xưa hương mới”… Cũng vì thế mà ngoài cái tên “Mật danh A20”, nhiều người còn gọi anh là Sùng Ân, Triệu Trung… tên các nhân vật chính của vở diễn.

Nhưng với riêng Nghệ sĩ Trần Yên Bình, “Mật anh A20” còn mang một dấu ấn khắc đậm vào đáy tim. Dù đã thực hiện hàng chục lần công diễn vai này trên sân khấu, nhưng khi lên biên giới phía Bắc biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ điểm tựa tiêu tiêu, anh mới cảm nhận hết cảm tình của người mến mộ dành cho mình… Bấy giờ là những tháng đầu của năm 1979, quân dân ta đoàn kết, chắc tay súng, kiên cường giữ vững từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Trong bối cảnh “dầu sôi lửa bỏng”, Đoàn Cải lương Bắc Thái đã thành lập Đội xung kích tình nguyện, gồm 10 cán bộ, diễn viên, trong đó không thể thiếu người nghệ sĩ sắm vai “Mật danh A20”.

“Phải làm như thế nào đó để trả hết món nợ ân tình cho người mến mộ” - Nghệ sĩ Trần Yên Bình

Biết lên tuyến lửa biểu diễn phục vụ cho cán bộ, chiến sĩ là nhiệm vụ gian khổ, nguy hiểm, thậm chí có thể hy sinh, nhưng mọi người trong đoàn ai nấy đều hăm hở lao vào nhiệm vụ, với nghĩ suy chia lửa với chiến tuyến; khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ hăng hái chiến đấu. Nghệ sĩ Trần Yên Bình dân dấn nước mắt, kể: Nơi tuyến đầu Tổ quốc, Đội xung kích chúng tôi tham gia hơn 20 buổi công diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi biết mình được các đơn vị bộ đội luôn quan tâm, bảo vệ an toàn, cũng vì thế chúng tôi động viên nhau hãy cùng “cháy hết mình” cho nghệ thuật, để chia sẻ gian khổ, hy sinh với những người cầm súng giữ tuyến lửa. Biết đâu với người lính, đây sẽ là lần cuối được thưởng thức nghệ thuật sân khấu cải lương. Và ngay cả chúng tôi, cũng có thể hy sinh khi cánh màn sân khâu chưa khép lại.

Anh dừng lời, ôm cây đàn kìm vào lòng như níu lấy một kỷ niệm đau, rồi lướt nhẹ những ngón tay trên cung đàn, dòng âm thanh rổn rảng như suối reo, gió gọi. Câu hát chợt bật lên làm không khí trở lại sống động hơn. Chợt anh buông cây đàn, kể: Ngay sau buổi diễn đầu trên tuyến lửa, có mấy anh lính trẻ nấn ná, tìm gặp, chia sẻ tâm trạng của mình khi xem vở diễn. Một chiến sĩ nói: Ngay lúc “Mật danh A20” xuất hiện trên sân khấu, tôi đã muốn bắn hạ ngay lập tức. Một chiến sĩ khác nói: Phải xem một trường đoạn mới biết “Mật danh A20” là sĩ quan của ta cài cắm vào hàng ngũ của địch. Một chiến sĩ còn rất trẻ nhưng nói chuyện già dặn hơn, bảo: Anh phải chấp nhận hy sinh nhiều quá mới hoàn thành được nhiệm vụ của một sĩ quan tình báo. Chúng tôi rất khâm phục, muốn trở thành người mang “Mật danh A20” như anh.

Mỗi vai diễn đều được anh hóa thân vào nhân vật, thể hiện xuất sắc ở buổi công diễn. Đó là bởi lòng đam mê nghệ thuật, sự dấn thân và bởi trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Nhất là đợt đi biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ nơi hòn tên mũi đạn, cái lằn danh chết, sống chỉ là khắc giây. Bởi lẽ ấy mà đã hơn 40 năm đi qua đời người, anh còn nhớ rất nhiều những khuôn mặt trẻ trung, ánh mắt trong sáng và lời nói mộc mạc của những người lính trẻ. Những khuôn mặt, ánh mắt ấy nhiều khi trở thành nỗi ám ảnh, day dứt. Có đêm ngủ không ngon giấc, ký ức về một buổi công diễn nơi biên cương ùa về chật lòng. Anh kể trong nhạt nhòa nước mắt: Hôm đó Đội chúng tôi chuyển đến phục vụ cán bộ, chiến sĩ điểm tựa 455 và 607. Sân khấu được dựng vội ở một khoảng đất trống. Tất cả cánh nghệ sĩ chúng tôi nín thở, hồi hộp vì biết ở phía bên kia sườn núi là quân Bành Chướng đóng quân, chúng có thể tấn công ào ạt bất chợt. Nhưng chúng tôi yên tâm ngay, vì biết ở các mỏm núi đá, cả trên khắp triền núi là công sự của bộ đội ta, nên động viên nhau góp sức cho tuyến lửa bằng cách cháy hết mình trên sân khấu.

Chợt anh nghẹn lại, giọng nói méo đi cùng tiếng nấc: Phải rồi… để bảo đảm an toàn cho buổi diễn, hôm đó đội chúng tôi và chỉ huy đơn vị chốt tiền tiêu thống nhất thực hiện phục vụ cán bộ, chiến sĩ sớm hơn so với thường lệ. Mọi việc chuẩn bị cho buổi diễn đều đã sẵn sàng. Nhưng lúc 15 giờ, từ sân khấu nhìn xuống thấy lác đác bóng dáng người lính quấn băng trắng trên đầu, trên chân, tay… Lúc 16 giờ, các bãi đất có nhiều cán bộ, chiến sĩ hơn, song đều mang thương tích trên người. Đến 17 giờ, bóng tối đã sầm sập khắp trời biên cương, chúng tôi vẫn nán đợi với nghĩ suy để các đồng chí ở điểm chốt xa kịp về xem văn công. Như hiểu ý chúng tôi, đồng chí tiểu đoàn trưởng nghẹn giọng, bảo: Các đồng chí cứ cho diễn đi, cuộc chiến đấu trên điểm tựa khốc liệt lắm, cả tiểu đoàn chỉ còn bấy nhiêu thôi… Chúng tôi ôm lấy nhau, khóc nấc thành tiếng. Hôm đó, chúng tôi đã diễn khi chính trái tim mình ri rỉ giọt lệ hồng vì bao cán bộ, chiến sĩ đang từng giờ đổ máu xương cho chúng tôi được hát.

Cho đến bây giờ, nghệ sĩ Trần Yên Bình vẫn chưa lý giải nổi vì sao trong thời khắc chiến đấu ác liệt nhất, những người lính ở điểm tựa tiền tiêu lại hồn nhiên, vô tư, sẵn sàng chấp nhận hy sinh cho đồng đội, cho người thân được an toàn. Nghệ sĩ day dứt: Có lần sau đêm diễn, tôi tranh thủ vào trạm Quân y gặp một chiến sĩ còn rất trẻ, anh bị mảnh đạn thù găm vào chân. Vừa thấy tôi, anh đã reo lên: A, đây rồi, “Mật danh A20”. Anh vô tư chỉ vào cái cẳng chân được băng bó trắng toát, kể: Cuối tuần trước được đơn vị thưởng cho đi xem văn công, “Mật danh A20” đã làm tôi mê mẩn. Tôi muốn gặp diễn viên sắm vai đó, nên quyết định tìm đến chỗ tên địch thổi kèn tôi bắn hạ bữa trước để lấy chiếc kèn chiến lợi phẩm làm quà ra mắt. Song bò gần đến nơi thì bị địch từ bên kia đường biên bắn sang. Một viên đạn bắn thẳng của địch làm tôi bị gẫy chân. Tiếc quá, có lẽ cái kèn đồng vẫn nằm ở vị trí đó.

Hành động “dại dột” của người lính trẻ khiến nghệ sĩ cảm nhận như mình mắc nợ với cuộc đời, nhất là với những người mến mộ “Mật danh A20” do nghệ sĩ thủ vai. Sau này, khi đã nhận sổ hưu, anh vẫn là nghệ sĩ hát cải lương. Nhiều bạn bè vẫn gọi anh bằng cái tên: “Mật danh A20”. Anh cũng rất tự hào về điều đó.

Phạm Ngọc Chuẩn