Chắc vì thế mà mỗi lần lên bục giảng uốn giọng theo những ca từ trong bài lượn, tôi lại thấy mình run run. Quái lạ! Trình độ đã đến mức làm thầy rồi mà làm sao còn run đến thế? Nhất là khi đang hát mẫu cho cả lớp nghe, ở dưới hàng chục đôi mắt sắc như dao cau nhìn lên, tôi thấy như những tia nước lạnh ở ngườm đá Pác Thắm khía vào da thịt. Nghe tôi lượn, mấy cô học viên xinh đẹp đầu tiên bẽn lẽn ngồi dưới cùng, dần dần cứ chuyển lên đầu bàn gần thầy. Vì thế, tim tôi càng đập mạnh hơn.
Đến khi bắt đầu cất giọng hát theo thầy thì nhiều học viên nhao nhao:
- Dạ! Em đã cố gắng mà hát chẳng giống thầy được ạ.
Tôi nói vui, vẻ kiêu ngạo:- Em hát bằng thầy thì tôi chả mất dạy à.
- Thầy dạy từng khổ, từng câu một ạ.
- Vâng, tôi đang cố gắng để cả lớp thuộc bài nhanh.
Suốt mấy tháng trời, tôi cố gắng uốn giọng, ngậm hơi, nhả khí… mang hết sức mình truyền đến học viên những câu lượn trữ tình hay nhất trong dân gian. Cứ thế, tôi thả giọng về phía các em những câu lượn buồn thương, day dứt. Đôi khi tôi nhìn thấy nhiều em vừa hát vửa khóc. Tôi hiểu, vậy là đã thành công. Mãn khóa học, hầu như các học viên đã khá thành thục. Vì đa phần họ là những người có năng khiếu bẩm sinh.
* * *
Từ lớp hát lượn ấy tôi quen được Trâm, một cô gái xinh đẹp. Một lần trong giờ giải lao, Trâm nói nhỏ với tôi:
- Đời em buồn lắm thầy ạ! May mà những câu hát lượn do thầy truyền đạt lại đã làm cho em như thấy cuộc đời được hồi sinh.
Nghe Trâm nói, lòng tôi mát tựa dòng suối Nặm Cắt. Vội cất lời:- Những lời sli, lượn tôi dạy các em thường buồn lắm phải không? Cuộc đời em… Sợ rằng…
Thật không ngờ, Trâm nói bằng giọng rất thật thà: - Không phải đâu thầy ạ. Chính những ca từ buồn như dao cắt vào lòng ấy lại làm em được an ủi, có thể đứng dậy để sống tiếp đấy thầy ạ.
Là một người nghiên cứu và từng sáng tác nhiều bài lượn thì cái tâm lý ấy của con người, nhất là những người yêu sli, lượn truyền thống như Trâm, tôi không lấy làm lạ. Đời xưa, đã biết bao kiếp người khổ ải, buồn tủi nhưng nhờ những câu lượn mà đã vượt qua số phận. Còn bây giờ… lẽ nào cũng như vậy (?) Nhưng hôm ấy được nghe những lời từ miệng Trâm, tôi thấy hạnh phúc vô cùng. Không ngờ trong câu si, câu lượn do mình truyền lại lại có thể làm thay đổi được tâm trạng một cô gái đẹp như Trâm.
Sau này tôi được biết, Trâm là cô gái hồng nhan bạc phận. Mười sáu tuổi, đã bị kẻ xấu lừa bán qua biên giới, mấy năm phải chịu cảnh làm vợ chung cho một gia đình đông con trai. Sau may mắn được sự giúp đỡ của người đồng hương cùng huyện, trốn về nước. Mấy năm sau, Trâm lấy một anh chàng đã có một đời vợ. Cuộc sống ban đầu cũng ít nhiều thuận thảo nhưng chỉ ít lâu sau, anh chồng cờ bạc rượu chè, hắt hủi, đánh đập Trâm đến nỗi phải cấp cứu ở bệnh viện. Mấy năm sau thì li dị. Hiện Trâm sống một mình nuôi hai con trong hoàn cảnh cô đơn. Mới ngoài hai mươi, Trâm đã như một bà già đau khổ. Nếu không vì con nhỏ thì Trâm đã tìm đến lá ngón trong rừng từ lâu rồi.
Với cảnh ngộ như vậy, tôi hiểu là hồi ở lớp, Trâm đã nói thật với tôi. Qua nhiều năm nghiên cứu, tôi nhận thấy trong kho tàng dân gian của người dân tộc bao giờ những câu lượn, câu sli buồn bã, bi thương cũng trường tồn hơn những câu vui. Trong đời sống bình thường, con người rất cần niềm vui sống nhưng trong nghệ thuật thì hình như người ta thường dành cảm xúc cho nỗi đau. Tôi từng được chứng kiến có một xã ở miền núi không hiểu sao đã ra lệnh cấm những bài hát sli, lượn nói về nỗi khổ hạnh của con người, cho đó là sản phẩm của chế độ cũ, chứ cuộc sống ưu việt hôm nay làm gì có bi kịch, bi quan mà kể sầu kể khổ. Vậy là chỉ ngay năm sau thôi, phong trào văn nghệ dân gian ở địa phương đó yếu hẳn đi, người tham gia thưa dần.
Ý nghĩ và những lời nói của Trâm hôm nay, càng củng cố thêm cho tôi vững tâm trên con đường hoạt động nghệ thuật.
* * *
Hôm nay có đoàn làm phim về bản để quay một bộ phim tài liệu về vấn đề bảo tồn và phát huy nguồn văn nghệ dân gian.
Khi bộ phim cần quay những giọng hát hay của địa phương, tôi quyết định đưa đoàn đến nhà Trâm.
Trước khi quay, Trâm hỏi tôi: - Phát trên truyền hình thì phải lượn những bài vui vẻ về mùa Xuân phải không thầy?
Tôi vội bảo: - Không phải vậy đâu. Em cứ chọn bài mà em thích nhất, làm cho em cảm động nhất.
Thu hình xong, ông đạo diễn quay lại nói với tôi: - Anh và cô Trâm đã đúng. Ghi hình ở vài nơi, tôi thường thấy các nghệ nhân chỉ chọn những bài hát vui. Tất nhiên, cũng rất cần những tiếng ca như thế. Nhưng tôi tin rằng, những câu lượn hôm nay của cô Trâm sẽ lấy được cảm xúc mạnh mẽ của rất nhiều khán thính giả.
Ông đúng là một đạo diễn từng trải. Tôi thầm cảm ơn ông, và nói: - Có một nhà thơ đã viết, tôi không nhớ nguyên văn, nhưng đại ý: “Có những lúc buồn đau, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Ở bản chúng tôi cũng có một nghệ nhân vịn vào những câu sli, lượn mà đứng dậy đấy anh ạ.
Tôi chỉ cho ông xem những đồi chè bạt ngàn của nhà Trâm: - Anh nhìn em, nếu không có những câu ca buồn thì có lẽ Trâm không có được những đồi chè xanh ngút ngát như thế kia. Sáng mai, cô ấy sẽ đi dự hội nghị những phụ nữ làm kinh tế giỏi toàn huyện đấy anh ạ.
Ông đạo diễn khẽ gật đầu. Hình như ông cũng hiểu mọi chuyện./.