Bà Lê Na, Phó Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo T.P Sông Công cho biết: Năm học 2020-2021, T.P Sông Công có 36 trường mầm non, tiểu học và THCS với trên 15.000 HS, trong đó HSKT có gần 200 em. Ngay từ đầu năm học, khi gia đình có trẻ bị khuyết tật mà có nguyện vọng cho con theo học tại các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập, chúng tôi yêu cầu các Nhà trường thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ nhập học của học sinh theo đúng quy định. Đồng thời, có kế hoạch dạy học cụ thể, phân công giáo viên có kinh nghiệm dạy lớp có HSKT; bố trí số lượng HSKT không quá 2 em/lớp, đồng thời giảm số lượng HS ở lớp đó để việc dạy học được đảm bảo; chỉ đánh giá HSKT dựa trên sự tiến bộ của các em chứ không dựa trên kết quả học tập như những bạn khác…
Trường Tiểu học và THCS Tân Quang là một trong những trường có số HSKT chiếm tỷ lệ cao trên địa bàn với 7 HS. Chính vì thế, các thầy cô giáo của Trường luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc dạy học, giúp các em hòa nhập môi trường học tập cùng với các bạn trong lớp. Cô giáo Hoàng Thị Hoa, Hiệu trưởng Nhà trường thông tin: Xác định việc dạy học HSKT cần nhiều thời gian và sự phối hợp giữa Nhà trường với phụ huynh HS, vì thế ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã lập danh sách và phân loại HSKT để có hướng giáo dục, kèm cặp sao cho phù hợp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm sát sao hơn đối với từng em, từ đó đánh giá sự tiến bộ của HS; thường xuyên phối hợp với phụ huynh HS để trao đổi tình hình học tập, sức khỏe (nếu có biểu hiện bất thường) giúp các em tiến bộ.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 1A, Trường Tiểu học và THCS Tân Quang, cô giáo Nguyễn Thị Thảo chia sẻ: Lớp tôi chủ nhiệm có 1 HSKT tật nặng về mắt, khả năng nhìn rất hạn chế nên ngay khi xem hồ sơ, chứng nhận KT của HS, tôi đã lập kế hoạch dạy riêng theo từng tuần, tháng và quý đối với em đó. Mắt của em nhìn không rõ chữ cô giáo viết trên bảng, tôi chuyển cháu lên bàn đầu ngồi; in to phần chữ cái, hình ảnh trực quan, viết mẫu chữ đậm hơn… để em nhìn rõ hơn; với những bài giảng trên lớp mà em chưa hiểu tôi sắp xếp thời gian giờ ra chơi giảng thêm để em hiểu bài hơn. Đến nay, đã gần kết thúc học kỳ 2, khả năng đọc, viết và thực hiện phép tính của em tương đối tốt; em đã mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể hơn so với những ngày đầu năm học.
Theo quy định, sĩ số tối đa/lớp ở bậc Tiểu học không quá 35 học sinh/lớp, còn đối với bậc THCS không quá 45 học sinh/lớp. 1 HSKT sẽ tương ứng với 5 HS bình thường. Điều đó có nghĩa, khi có HSKT thì sĩ số lớp phải giảm đi. Tuy nhiên, hiện nay do số phòng học tại các nhà trường còn thiếu nên nhiều lớp mặc dù có HSKT nhưng sĩ số của lớp vẫn như các lớp bình thường khác, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Chính vì vậy, theo bà Lê Na, bên cạnh sự nỗ lực của giáo viên thì phụ huynh HS cũng cần chia sẻ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để việc học của các em đạt kết quả tốt nhất. Ngoài ra, có một thực tế là vẫn còn một số gia đình có con bị khuyết tật khi cho con theo học tại các nhà trường trên địa bàn không làm hồ sơ khuyết tật cho con đã khiến các thầy, cô giáo gặp không ít khó khăn vì không biết học sinh đó khuyết tật ở mức độ nào nên chưa đưa ra được chương trình giảng dạy phù hợp; giáo viên vẫn phải quan tâm hơn đối với HS đó mà không được hưởng các chế độ (hưởng phụ cấp theo hệ số lương, số tiết dạy…) theo quy định của Nhà nước. Thời gian tới, Phòng yêu cầu các Nhà trường và các thầy, cô giáo tích cực tuyên truyền tới phụ huynh có con bị khuyết tật để họ hiểu hơn về Luật, chế độ chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật; yêu cầu các thầy, cô giáo dạy lớp có HSKT khi soạn giáo án đưa thêm nội dung hướng dẫn HSKT nhằm giúp các em tiếp thu kiến thức, tham gia các hoạt động tập thể một cách tốt nhất.
Có thể nói, giáo dục cho HSKT hòa nhập không những giúp các em được hưởng quyền học tập bình đẳng như các bạn cùng trang lứa mà còn là cơ hội để các em có thể phát huy tối đa khả năng của bản thân, tiếp cận môi trường xã hội, tham gia các hoạt động, phong trào như bao HS khác trong nhà trường. Từ đó, có cơ hội tìm việc làm và tham gia vào các hoạt động xã hội khi trưởng thành.