Chúng ta còn nhớ cách nay mấy ngày, sự việc 4 chuyên gia người Ấn Độ mắc COVD-19 và lây nhiễm sang một nhân viên khách sạn ở Yên Bái, nơi các chuyên gia này cách ly. Và trường hợp đáng lo ngại nữa là nhóm chuyên gia người Trung Quốc sau khi đã hoàn thành cách ly 14 ngày tập trung nhưng vẫn lây lan COVID ra cộng đồng. Điều này không chỉ cho thấy công tác quản lý cách ly ở một số địa phương lỏng lẻo mà còn khẳng định việc cách ly 14 ngày vẫn chưa thật sự an toàn.
Một vấn đề đặt ra là đáng lẽ sau cách ly tập trung 14 ngày, theo quy định phải tiếp tục được chính quyền địa phương giám sát sức khỏe thêm 14 ngày nữa mới chính thức hết quá trình cách ly. Tuy nhiên, do quản lý thiếu chặt chẽ nên các trường hợp nêu trên được xác định đã cách ly đủ 14 ngày tại khu cách ly tập trung nhưng di chuyển rất nhiều địa điểm ở Việt Nam trước khi về nước. Hậu quả là nhiều người bị lây nhiễm từ các trường hợp này.
Tại sao phải tăng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày? Theo các chuyên gia về dịch tễ học, biến chủng mới của SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với các chủng trước đây. Nếu chủng SARS-CoV-2 trước có tốc độ lây khoảng 5-6 ngày là hết vòng lây nhiễm thì nay chủng mới chỉ mất khoảng 3 ngày. Chủng mới có thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, thậm chí đã có trường hợp ủ bệnh tới 21 ngày. Do đó, việc nâng thời gian cách ly lên 21 ngày là hoàn toàn có cơ sở.
Phát biểu tại phiên họp Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm quy định về cách ly tập trung, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Bàn giao những người thực hiện xong cách ly về địa phương nơi họ sinh sống theo quy định, tiếp tục theo dõi y tế đối với các trường hợp này thêm 7 ngày.
Đối với Thái Nguyên, ngay sau yêu cầu của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID tỉnh đã ra Thông báo phổ biến tới tất cả các địa phương trong tỉnh. Trong đó, yêu cầu các trường hợp sau khi cách ly tập trung phải cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú; phải sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát theo dõi sức khỏe và khai báo sức khỏe hàng ngày cho cán bộ y tế địa phương; không được ra khỏi nhà, nơi lưu trú; nếu bắt buộc phải ra ngoài để làm việc hoặc thực hiện các công việc cần thiết khác thì phải báo cáo và được sự đồng ý của công an, y tế địa phương; thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế...
Thời điểm này, tỉnh cũng đã yêu cầu 57 công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản đang thực hiện cách ly y tế tập trung tại địa phương cách ly đủ 21 ngày. Trong đó 56 trường hợp cách ly kéo dài từ 23-4 đến hết 13/5/2021; 1 trường hợp kéo dài từ 23-4 đến hết 17/5/2021. Địa điểm cách ly tại Khách sạn Hải Âu 3, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Tại đây, các trường hợp này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm đủ 3 lần trước khi rời khỏi khu cách ly.