Cập nhật: Chủ nhật 16/05/2021 - 10:21
Minh họa: Thanh Hạnh
Minh họa: Thanh Hạnh

Buổi sáng đầu tuần, cô bạn đồng nghiệp ào vào phòng nửa như giật mình, nửa như thảng thốt: - Em vừa tới cơ quan đã nghe tiếng ve trên cây phượng đầu hành lang. Xa tuổi học trò mấy chục năm rồi nhưng cứ mỗi khi nghe tiếng ve gọi Hè lại thấy nao nao, cái thời nhất quỷ, nhì ma đâu dễ quên chị nhỉ!

Nghe lời cô đồng nghiệp, tôi mở của phòng bước ra hành lang, ập vào tôi là tiếng ve râm ran trên cây phượng đang le lói màu hoa đỏ. Có lẽ lũ ve đã tấu lên bản giao hưởng gọi Hạ về mấy hôm nay rồi, chỉ là tôi ở trong phòng đóng kín hai lớp cửa nên chưa kịp nhận ra. Hè về, trong muôn vàn sắc thái thì người ta thường nói đến hoa phượng và tiếng ve. Một sắc, một thanh, hình như đó là biểu tượng vĩnh cửu của mùa Hè. Hè về, tiếng ve hầu như có ở khắp mọi nơi, chỗ nào có cây là chỗ ấy có tiếng ve. Tiếng ve khiến tôi nhớ đến bài thơ năm nào thường luyến láy lúc Hạ về: Trưa nay qua đường phố quen/ Gặp những tiếng ve đầu tiên / Chợt nghe tâm hồn xao xuyến / Điệp khúc tiếng ve triền miên / Tiếng ve đu cành sấu / Tiếng ve náu cành me / Tiếng ve vẫy tuổi thơ / Tiếng ve chào mùa hè (Kỷ niệm thành phố tuổi thơ - Hồng Đăng).

Phải! Tiếng ve vẫy tuổi thơ / Tiếng ve chào mùa Hè. Tuổi thơ tôi đã qua lâu lắm rồi, nhưng cũng như mọi trẻ thơ cùng trang lứa, tôi đã từng đi qua những mùa Hè râm ran tiếng ve và đầy kỷ niệm. Tiếng ve gợi lên một bức tranh bình yên của làng quê trong hồi ức tuổi thơ, nơi nuôi nấng tâm hồn tôi với thấm đẫm vui, buồn. Tuổi thơ tôi ngày ấy không có nhiều trò chơi để giải trí như lũ trẻ bây giờ. Mùa Hè, ngoài những lần ướt đẫm người khi chạy dưới cơn mưa xối xả, tôi thường cùng bọn trẻ trong làng đi bắt ve để chơi. Trẻ con thôn quê có trò chơi gì đâu ngoài những buổi trưa trốn ngủ lang thang ngoài đồng bắt cá, hay trèo cây bắt ve.

Cách bắt ve rất đơn giản mà lại vô cùng hiệu quả. Chúng tôi dùng một chiếc cần trúc, như loại cần câu cá để bắt ve. Ngọn cần càng mềm càng tốt vì có độ rung. Đầu cần, bôi một ít nhựa chặt từ thân cây mít. Trưa nắng, chúng tôi trốn ngủ, hẹn nhau ở đầu làng, khi đủ “đội hình” là lần mò theo các tán cây để bắt ve. Cứ cầm cái cần hễ thấy chú ve nào đang đậu trên cây, nhẹ nhàng đến gần, đưa đầu cần ra, chỉ cần nó chạm vào con ve là xong. Chú ve đã trở thành tù binh của chúng tôi. Cả bọn đội nắng tầm một tiếng đồng hồ là bắt được vài chục con để chia nhau mang về nhà chơi. Có đứa bỏ vào vỏ ống bơ, có đứa bỏ vào chai, còn tôi thả lên đỉnh màn để buổi sáng nó kêu như cái đồng hồ báo thức.

Chính những trưa hề trốn ngủ đi bắt ve ấy đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm nhớ đời. Ấy là có lần, như mọi buổi trưa, tôi trốn ngủ “phi” ra đầu làng với lũ bạn. Quấn được ít nhựa mít vào đầu cần, cả bọn hăm hở kéo nhau đi bắt ve. Trên đường đi, cái Thắm cầm cần có bôi nhựa mít đi sau chả hiểu lơ mơ thế nào để nhựa mít dính lên đầu tôi đi phía trước. Nhựa mít dính vào tóc, tôi đưa tay gỡ mãi không được, cả đám dừng lại đè đầu tôi ra mà gỡ, nhưng càng gỡ càng dính thêm. Cuối cùng, cái Thắm phải chạy về nhà mang kéo ra cắt cả nắm tóc có dính nhựa mít trên đầu tôi bỏ đi. Hôm ấy về nhà tôi bị bố “nọc” ra đánh cho một trận vì tội con gái đi bêu nắng. Bị đánh đau, tôi hứa lên hứa xuống từ mai không trốn ngủ đi bắt ve nữa, nhưng chỉ được ba ngày, đến ngày thứ tư, thấy lũ bạn đi qua cổng cầm cần nhảy chân sáo là tôi lại tìm cách trốn đi bằng được. 

Tiếng ve chào Hè đã gọi tôi về với năm học cuối cùng của thời hoa nắng. Năm học lớp 12 với bao mộng mơ và đầy khát vọng dự tính cho tương lai. Nhớ buổi chia tay thuở học trò trong nuối tiếc, bài hát Lưu bút thời áo trắng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên được chúng tôi cùng nhau cất lên, mắt ai cũng ướt nhòe: Màu phượng hồng,đầy trang lưu bút / Mùa Hè ơi, có trở lại bao giờ / Ngồi bên nhau, chuyền tay trang giấy trắng / Kỷ niệm ơi, có lúc nào phai? / Tuổi học trò, hồn nhiên mơ ước / Từng buồn vui, lắng đọng lại nơi nào / Mùa chia tay, trường xưa trong ký ức / Hết lòng ai, dòng mực tím thơ ngây / Ơi trang lưu bút, chắt chiu bao kỷ niệm / Nhớ làm sao, từng bóng dáng thân quen / Ơi trang lưu bút, nhắc chiều xưa biền biệt / Một thời mộng mơ, áo trắng sân trường…

Chiều nay đứng giữa phố, nghe tiếng ve râm ran trên vòm lá, rộn ràng thân thuộc, tôi không thấy inh ỏi mà lòng chợt dịu lại. Cứ mỗi khi Hè đến, ve lại kêu hết mình như sợ mùa vội vã đi qua. Ve kêu vang làm cho bao ký ức bỗng quay về. Những ký ức trong veo, hồn nhiên của một thời vụng dại, cho ta neo vào để vượt qua những khó khăn đang hiện hữu trong đời. Tiếng ve rộ lên từng hồi rồi lặng phắc im ắng, nghe ngóng như chơi trò trốn tìm. Tôi lắng tai nghe, ve sầu không bao giờ hát một mình. Khi một con ve cất tiếng, cả đàn ve không biết nấp từ đâu trong những vòm lá sẽ hòa theo. Dàn đồng ca được tạo nên bởi vô số “nghệ sĩ ve” - một sự kết nối uyển chuyển và ăn ý đến lạ lùng. 

Tiếng ve gọi Hè đã vang lên rồi đấy. Xin cảm ơn những mùa Hè! Cảm ơn những tiếng ve đã để bao người trẻ lại với một thời hoa nắng. Nghe đâu đây câu nói của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hãy mừng tiếng ve như ngày đầu mùa và vẫy chào tiếng ve sau một mùa Hè…”/.

Ngọc Khánh