Theo báo cáo mới nhất của ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, một số sản phẩm nông nghiệp của chúng ta cũng đang gặp khó khăn, giá bán và sản lượng tiêu thụ có xu hướng giảm so với đầu năm. Nông sản chủ lực của tỉnh là chè búp khô (6 tháng ước đạt khoảng 25 nghìn tấn), quả vải (gần 3.900 tấn) và một số sản phẩm chuẩn bị đến kỳ thu hoạch như: Nhãn, bưởi và một số nông sản khác… cũng khó tránh khỏi khó khăn trong việc tiêu thụ. Tuy sản lượng một số mặt hàng nông sản của chúng ta không quá lớn như vải thiều Bắc Giang hay nhãn lồng Hưng Yên, nhưng không chỉ nội tiêu mà có thể giải quyết được. Trong khi đó, để ngăn chặn từ sớm, từ xa dịch COVID-19, tỉnh vẫn đang áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả hoạt động vận tải ra vào địa phương, nhất là với các phương tiện di chuyển về từ vùng dịch vào.
Chúng ta đều thấy, những ngày qua, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã vận động nhân dân chung tay hỗ trợ tiêu thụ cho một số tỉnh có lượng nông sản lớn bị ứ đọng. Đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực vừa tạo động lực để người nông dân vượt qua khó khăn vừa kích cầu tiêu dùng xã hội. Tuy vậy, chúng ta cũng cần quan tâm, hỗ trợ các sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân trong tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu kép đã đề ra.
Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong giai đoạn này là rất cần thiết. Được biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, để người nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, rải vụ thu hoạch, bảo quản phù hợp để giảm áp lực tiêu thụ, hạn chế tối đa tồn ứ nông sản. Yêu cầu tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh nhất là hỗ trợ tiêu thụ qua các sàn giao dịch điện tử, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, trong đó chú ý khai thác tại các siêu thị lớn như: GO Thái Nguyên, Lan Chi, Aloha, Minh Cầu... Vận động các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, các đơn vị có hoạt động bếp ăn tập thể cho người lao động tích cực hưởng ứng sử dụng các sản phẩm nông sản của tỉnh như: Thịt, trứng, cá, rau, củ, quả…, các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm. Tỉnh cũng yêu cầu ngành chuyên môn thực hiện đa dạng các biện pháp phân phối hàng hóa, kích cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng nông sản thiết yếu và các sản phẩm OCOP trên địa bàn... Đồng thời tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và nhân dân tích cực ủng hộ tiêu thụ nông sản của địa phương.
Việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong lúc này. Tuy nhiên, theo chúng tôi, về lâu dài chúng ta cần có chiến lược tiêu thụ nông sản bền vững, tránh trường hợp phải dùng đến biện pháp hỗ trợ hay “giải cứu”. Muốn làm được điều đó cần có quy hoạch vùng nông nghiệp tập trung, sản xuất, chế biến hiện đại, có sự liên kết hợp tác lâu dài, bền chặt giữa doanh nghiệp và người nông dân, tích cực tham gia các hoạt động kết nối cung cầu… nhằm tạo chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản.