- Mày xem hồ sơ thế nào, có chỗ nào ưng thì gửi đi - mẹ đưa bát cơm tận tay nó, nói nhỏ.
- Vâng, con là đồ ăn hại, mẹ không phải nói nữa, hu… hu…
- Ô hay cái con này, sao mày cả nghĩ thế nhỉ. Mà mẹ cũng nói thật, sức dài vai rộng nằm nhà mãi không thấy ngại à? Còn chồng con nữa, gần ba mươi tuổi rồi, định làm bà cô chắc?
Nó đứng dậy vào phòng đóng cửa đánh sầm. Mẹ ngồi thừ bên mâm cơm chưa động đũa. Con Cộc tiu nghỉu gục mặt vào hai cẳng chân duỗi dài, thèm tay nó vuốt ve.
Mọi hôm vào giờ này nó tíu tít nhận hàng, vào sổ, bấm máy tính. Ngày nó cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học Tài chính về, mẹ bảo cố xin cho nó vào cơ quan hành chính nào đó, tiền “thuốc nước” “người ta” đòi hơn ba trăm triệu. Nó “ối” lên: Nhà mình lấy đâu ra ngần ấy tiền? “Cắm” bìa đỏ vay ngân hàng, cháo nóng húp quanh công nợ trả dần con ạ. Mẹ có biết gốc với lãi của ba trăm triệu một tháng là bao nhiêu không? Lương hưu của mẹ cộng với lương mới ra trường của con (nếu có việc làm) cũng không đủ trả. Mà mẹ không phải lo, con có hướng rồi.
Nó xin làm kế toán cho ba doanh nghiệp tư nhân, tổng thu nhập mỗi tháng gần mười lăm triệu, đóng bảo hiểm đàng hoàng.
Mắt mẹ đỡ nát chân chim, thỉnh thoảng mẹ cười nhẹ bẫng như thời con gái. Rồi nó gặp người ấy. Anh là giám đốc công ty Thuận Phát, sếp của nó. Anh bảo, doanh nghiệp tốt cần kế toán giỏi, có em anh như “rồng mọc thêm vây”, đồng hành cùng anh suốt đời, em nhé.
Nó nhìn qua khe cửa khép hờ. Mẹ ngồi như hóa đá, mắt hướng lên đốm nắng nhảy nhót trên ngọn cây trứng cá. Mẹ lúc nào cũng cũ kĩ trong bộ quần áo nâu đen, loanh quanh góc bếp, xó vườn, lau lau quét quét. Nó giật mình thấy nắng chạy trên má mẹ. Hai gò má xám đen dính mấy sợi tóc nhợt nhạt. Mẹ kéo vạt áo lau mắt, vạt áo ướt đẫm.
Hôm ấy, sau buổi làm nó ghé quầy thịt mua mấy lạng, lại quay sang hàng bên cạnh mua mớ rau muống. Sáng nào mẹ cũng dậy sớm nấu nướng, nó chỉ việc tinh tươm quần áo mang theo cặp lồng cơm mẹ chuẩn bị sẵn.
Gần mười hai giờ đêm, anh vẫn thủ thỉ bàn với nó dự án kinh doanh sắp tới. Anh định mở thị trường về phía Nam. “Nếu không có gì trở ngại, sau khi dự án đi vào hoạt động bố mẹ anh sẽ sang thưa chuyện chúng mình với mẹ em”. Nó thả tim chiu chiu, bai bai rồi tắt mạng, buông màn nằm xuống. Ú… ú… ú… tiếng còi xe chói gắt. Nó chạy ra mở cửa. Chiếc xe cứu thương đèn quay loang loáng đỗ trước nhà. Ba người mặc đồ ni-lông đeo khẩu trang kín mít bấm chuông nhà nó. Cô Nhung y tế thôn bản bước vào cho biết nó là ép một của ca ép không là người bán thịt cho nó chiều nay, dặn mẹ nó tự cách ly ở nhà, cần gì cứ điện cho cô. Hàng xóm ùn ra ngó. Ngồi trong xe hú còi chạy vào màn đêm, nó bật khóc.
Nhận phòng, xếp đồ đạc xong, nó gọi cho mẹ. Con à, mẹ không sao đâu, yên tâm nhé, đừng lo gì cho mẹ cả.
Nó gọi anh, chỉ tiếng tút dài.
Cả tháng nay nó không rời chiếc khẩu trang, trừ lúc ăn và ở trong nhà. Dịch giã căng thẳng, nó lo cho mẹ nhiều, mẹ cao tuổi lại có bệnh nền. Vậy mà người “dính” lại là nó.
Khu cách ly được trưng dụng nguyên là ký túc xá của trường cao đẳng. Nó ở tầng ba, nhìn qua cửa sổ, sân trường sáng trưng, người đi lại tất tả, vài chiếc ô tô đèn quay loang loáng, tiếng chân vội lên bậc thang. Nó thực sự bước vào cuộc sống khác.
Người đánh thức nó sáng đầu tiên ở khu cách ly là anh.
- Em bị “dính” à? Ôi trời không biết anh có sao không?
- Em mới tiếp xúc với ép không chiều qua, từ lúc ấy mình đã gặp nhau đâu?
- Ừ, nhưng cũng sợ lắm. Anh mà sao thì doanh nghiệp “toi” đấy. Em cứ yên tâm ở trong ấy. Anh đi làm kẻo muộn.
- Vâng, anh giữ sức khỏe nhé.
Mẹ ngày nào cũng gọi cho nó vài lần. Con yên tâm mẹ khỏe, không ho, không rát họng, không mệt mỏi. Sáng dậy đã thấy rau thịt mọi người cho treo ở cổng, chả thiếu thốn gì. Cô Nhung y tế ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm. Cô ý bảo cần gì gọi một tiếng cô đến ngay. Những lúc thế này mới thấy hàng xóm sống tình nghĩa con ạ. Mười bốn ngày nhanh thôi, xưa con học xa mấy tháng mới về thì sao. Yên tâm nhé.
Anh thì bận lắm, tối nhắn tin nói chuyện một lúc là kêu buồn ngủ. Đến ngày thứ mười, anh bảo vừa tuyển kế toán mới, vì sau mười bốn ngày em còn tiếp tục ở nhà, mà doanh nghiệp thì không thể một ngày thiếu kế toán.
***
- Con này, mẹ bảo.
Mẹ ngồi xuống cạnh nó. Viền mắt đen như người đeo kính.
- Con về cũng hai tháng rồi, đừng tự trói mình như thế nữa. Mấy chỗ làm cũ họ sợ thì mình tìm chỗ khác, thiếu gì việc. Còn “thằng kia”, coi như không có duyên với nhau, nghĩ thế nó nhẹ lòng con ạ. Cứng cáp lên cho mẹ nhờ chứ.
Nó bật khóc. Bao uất ức buồn tủi xô nhau trào ra. Mẹ ôm nó, thật chặt. Lâu rồi nó mới ngửi thấy mùi của mẹ. Nó lớn lên chỉ có mẹ bên cạnh. Quanh năm nhà nó ngan ngát mùi lá chanh, lá xả, bồ kết. Người mẹ lúc nào cũng thoang thoảng hương thơm dịu dàng ấy. Lời thì thầm hứa hẹn gần hai năm trời của anh bỗng kết thúc nhạt toẹt. Dự án mở rộng kinh doanh anh đã giao cho kế toán mới làm.
À, trên ti vi họ bảo phải sống theo kiểu “bình thường mới” đấy - Mẹ vuốt mớ tóc óng mượt của nó.
Nó bật cười thành tiếng. Mẹ cũng bắt trend nhanh ghê. Ừ nhỉ, nó đâu phải tội đồ khoanh tay trong căn phòng này. Sao cuộc đời mình lại để người khác dắt dây vui buồn như thế.
Nó rửa mặt, cùng mẹ ăn sáng, uống cà phê rồi lên mạng tìm việc. Tình hình dịch khá căng, các báo đưa tin dày đặc. Tỉnh nó vừa thêm một ca ép không. Nó đọc mà không tin vào mắt mình: Phong tỏa toàn bộ khu vực công ty Thuận Phát do giám đốc công ty này vừa xác định dương tính với COVID.