Thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Giảm tải áp lực xét xử
Cập nhật: Thứ hai 05/07/2021 - 08:40
Hòa giải viên Vũ Tiến Dũng luôn nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật liên quan trước khi tiến hành hòa giải các vụ việc.
Hòa giải viên Vũ Tiến Dũng luôn nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật liên quan trước khi tiến hành hòa giải các vụ việc.

Từ ngày 01/01/2021, Luật Hòa giải, đối thoại (HGĐT) tại tòa án chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, trước khi tòa án thụ lý vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hòa giải viên sẽ tiến hành HGĐT nhằm tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền thỏa thuận, tự quyết trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện, góp phần giảm tải công việc và áp lực đối với hoạt động xét xử. Thực tế tại Tòa án Nhân dân (TAND) huyện Đồng Hỷ cho thấy điều này.

Tháng 3-2021, ông Lê Văn Thiệu và ông Nguyễn Văn Sắc (cùng trú tại huyện Mê Linh, T.P Hà Nội) làm đơn khởi kiện ông Âu Văn Thanh (trú tại xã Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ). Lý do là ông Thanh có vay của 2 người trên tổng cộng 800 triệu đồng từ tháng 6-2018, đã đến hạn nhưng chưa trả.

Ngay khi tiếp nhận đơn, cán bộ TAND huyện Đồng Hỷ đã tư vấn, đề nghị phía nguyên đơn và bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chuyển vụ việc sang HGĐT. Cuối tháng 4-2021, cuộc HGĐT vụ việc được mở; chỉ trong thời gian ngắn, dưới sự phân tích, lý giải có lý và tình của hòa giải viên Dương Thị Hạnh, các bên đã đi đến thống nhất về việc tự thỏa thuận mà không cần thông qua xét xử.

Tương tự, tháng 4-2021, chị C.T.N (ở xã Cao Ngạn, T.P Thái Nguyên) khởi kiện yêu cầu TAND huyện Đồng Hỷ giải quyết đơn ly hôn với anh P.V.C. Lý lo là chị N. cho rằng chồng mình có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác và 2 bên xảy ra mâu thuẫn. Hòa giải viên Vũ Tiến Dũng được chỉ định tham gia vụ việc đã chủ động gặp, phân tích kỹ điều hơn thiệt, nhất là việc con cái bị ảnh hưởng tiêu cực nếu bố mẹ chia tay. Sau khi cân nhắc, chị N. đã quyết định rút đơn đề nghị ly hôn.

Theo thống kê, từ khi Luật HGĐT tại tòa án có hiệu lực tới nay, TAND huyện Đồng Hỷ đã chuyển 47 vụ án hành chính, vụ việc dân sự sang HGĐT. Trong đó, có 11 vụ việc hòa giải thành, 6 vụ việc rút đơn, 10 trường hợp quay lại thụ lý giải quyết theo Bộ luật Tố tụng dân sự; các trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết.

Ông Lê Huy Bắc, Chánh án TAND huyện Đồng Hỷ đánh giá: Triển khai Luật HGĐT tại tòa án bước đầu phát huy hiệu quả, nhất là giảm áp lực xét xử, tiết kiệm thời gian và kinh phí cả cho các cơ quan bảo vệ pháp luật lẫn người dân. “Kết quả của HGĐT không có bên thắng, bên thua mà là cả hai bên đều thắng, tự nguyện nhượng bộ một phần lợi ích của bản thân để đạt được thỏa thuận. Hoạt động này góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, có ý nghĩa nhất định trong việc phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm” - ông Bắc phân tích.

Để triển khai Luật HGĐT tại tòa án, TAND huyện Đồng Hỷ đã tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp; bố trí một phòng làm việc có đầy đủ bàn ghế, thiết bị máy tính phục vụ dùng chung; 3 người được Chánh án TAND tỉnh bổ nhiệm là hòa giải viên. Đây đều là những người từng làm công việc liên quan đến pháp luật như kiểm sát viên, thẩm phán đã nghỉ hưu có bề dày kinh nghiệm, uy tín cao trong cộng đồng dân cư và nhiệt tình trong công tác.

Bản thân cán bộ TAND huyện cũng ý thức việc triển khai thi hành luật. Khi người dân nộp đơn khởi kiện đến tòa đều được hướng dẫn tận tình về quyền được lựa chọn HGĐT trước khi tiến hành các hoạt động tố tụng thông thường.

Từng nhiều năm làm thẩm phán, nay nghỉ hưu được bổ nhiệm làm hòa giải viên, ông Vũ Tiến Dũng cho rằng: HGĐT tại tòa án cũng chính là công tác dân vận, tạo điều kiện tối đa cho các bên thực hiện quyền tự quyết trong giải quyết tranh chấp, khiếu kiện. Do vậy, nguyên tắc quan trọng khi tiến hành là phải tôn trọng sự tự nguyện cũng như không bắt buộc, áp đặt các bên.

Cùng với việc vận dụng những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử truyền thống, hòa giải viên còn vận dụng những hiểu biết về pháp luật để giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ các bên tìm được tiếng nói chung, từ đó đạt được thỏa thuận có lợi và phù hợp với quy định pháp luật.

Qua thực tế triển khai, lãnh đạo TAND huyện Đồng Hỷ đề nghị: Để HGĐT tại tòa án phát huy hiệu quả hơn nữa, TAND tối cao cần ban hành các biểu mẫu áp dụng thống nhất; ban hành hệ thống sổ nghiệp vụ và phần mềm thống kê trong hoạt động HGĐT. Đồng thời quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động này theo quy định…

Nhị Hà