Thời gian đợi đò thường khá lâu nên dần dần Hùng sinh ra thói quen quan sát những người cùng chờ đò xung quanh mình. Nó được gặp ở nơi đây khá nhiều khuôn mặt, loại người khác nhau cùng những câu chuyện, những cảnh tượng đầy hấp dẫn. Khách qua sông có người “khổng lồ” cao gần hai mét, nặng tới một tạ, khi lên thuyền như gây ra một cơn động đất, làm mọi người la ó thất kinh. Lại có một cô gái ngoài hai mươi tuổi mà có lẽ chỉ cao hơn cái mặt bàn học sinh một chút… Còn những câu chuyện xảy ra ở bến đò thì nhiều vô kể. Nào gặp gỡ, chia tay, nào yêu nhau, quan tâm nhau, giúp đỡ nhau hoặc cãi nhau, chen lấn nhau để mong tìm được một chỗ ngồi tốt, an toàn trên thuyền. Ngày nào cũng có hàng chục sự việc xảy ra và cả chục cách ứng xử khác nhau. Đúng là bách nhân, bách tính y như lời mẹ nó thường nói. Những lúc đợi đò, Hùng luôn có thói quen ngồi trên một tảng đá hơi khuất, cạnh mép nước, lặng lẽ quan sát mọi người xung quanh rồi lặng lẽ tự đưa ra những nhận xét ngầm về cả chuyện tốt và chuyện xấu. Một năm trời đợi đò, Hùng đã rút ra được khá nhiều điều bổ ích.
Sáng nay, Hùng được chứng kiến tận mắt một cảnh thật chướng tai gai mắt. Một ông già lọm khọm đợi đò ngồi ngay phía trước một con bé chạc tuổi Hùng nhưng trông rất phổng phao, khỏe mạnh, đặc biệt là bộ quần áo sang trọng như càng tôn thêm vẻ đẹp và sự hãnh diện của nó. Con đò sắp cập bến. Mọi người bắt đầu lục tục đứng lên. Ông già cũng chống tay xuống bờ đất cố gắng đứng dậy theo những người xung quanh. Trông ông lão có vẻ xiêu vẹo, đầy mệt mỏi. Rõ ràng đây là một hoàn cảnh rất cần sự giúp đỡ của những người xung quanh. Mà có lẽ người giúp ông lão không phải ai khác, phải chính cái con bé ngồi ngay sau lưng ông cụ. Vậy mà Hùng thấy con bé vẫn hoàn toàn dửng dưng, vẫn ngồi ỳ phía sau ông lão. Hừ! Nó còn không thèm cả đứng lên. Tức khí, Hùng vội nhảy gần chục bước lao đến bên ông lão và dìu ông xuống bến đò cùng vài lời cảnh cáo xa cái kẻ vô cảm:
- Để cháu dắt ông lên thuyền. Những kẻ bất lương rồi trời sẽ trừng phạt thôi ông ạ.
Nói xong, Hùng không quên ném về phía sau một cái liếc xéo đầy khinh bỉ.
Chọn cho ông lão một chỗ ngồi an toàn, Hùng quay lưng lại phía bờ. Nó không muốn nhìn mặt con bé ích kỷ kia thêm một lần nào nữa. Ờ, trông mẽ bề ngoài thì cũng xinh thật đấy. Gương mặt hồng hào, nước da trắng trẻo, mái tóc đen nhánh, vầng trán rộng, thông minh. Ôi dào, xinh thế mà không biết thương người thì cũng coi như là đồ bỏ đi. Chỉ có mỗi việc giúp người già yếu mà cũng từ chối thì làm người hẳn hoi sao được. Hay là nó sợ ông lão bẩn thỉu dây vào bộ đồ đẹp của nó. Đúng là đồ vô lương tâm, vô giáo dục. Hùng ngoảnh mặt ra phía giữa sông cùng những ý nghĩ đầy khinh bỉ nối nhau tuôn trào. Mải nghĩ, Hùng không biết con đò đã đầy ứ khách sang sông. Chợt những tiếng lộp cộp… lộp cộp vang lên ở phía sau khiến nó quay đầu lại. Hùng sững người bởi điều đập vào mắt nó là con bé nọ với hai cây nạng gỗ run rẩy bước từng bước trên tấm ván lỏng lẻo. Bên cạnh nó là một chú bộ đội trợ đỡ.
Chú bộ đội đỡ nó ngồi xuống mép thuyền rồi ngồi xuống ngay bên cạnh.
Cô bé yên vị, quay sang cảm ơn chú bộ đội:
- Cháu cảm ơn chú! Mọi hôm cháu đi cùng bố nhưng hôm nay bố cháu mắc cuộc họp quan trọng.
Thì ra vậy. Một cô bé tàn tật đáng thương. Vậy là Hùng đã trách nhầm cô bé. Nó định chạy đến xin lỗi nhưng kịp dừng lại. Quả là vừa rồi nó đã ngầm thóa mạ cô bé bằng những lời vô cớ, độc địa nhưng mọi sự vẫn chỉ ở trong ý nghĩ. Làm sao có thể xin lỗi cô bé được.
Mắt Hùng nhòa đi. Qua sự việc vừa diễn ra, nó chợt nhận ra rằng đối với bất cứ việc gì cũng không thể nhìn nhận bằng con mắt hời hợt. Và nhất là sự nhân danh lòng tốt, sự cao cả của mình để xúc phạm người khác. Đối với Hùng có lẽ đây là bài học sâu sắc nhất kể từ ngày chờ đò đến nay. Và rồi, bằng một ánh nhìn đầy sám hối, nó quay sang cô bé ngầm thốt: “Bạn sẽ không bao giờ nghe thấy những lời mình nói, nhưng mình vẫn không thể không gửi bạn một lời xin lỗi chân thành”.
Bác lái đò đẩy sào, con đò chao đảo rời bến, rồi nhẹ lướt trên mặt sông phẳng lặng. Nhưng Hùng thì vẫn mang cảm giác con đò cứ chòng chành mãi không thôi.