Cập nhật: Chủ nhật 15/08/2021 - 09:41
Việc báo chí được cung cấp thông tin sớm và chính xác là rất quan trọng. (Ảnh minh họa)
Việc báo chí được cung cấp thông tin sớm và chính xác là rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

Trong một văn bản mới nhất về yêu cầu xử lý tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo: “Khi các sở, ngành, đơn vị, địa phương phát sinh việc đột xuất, sự cố bất thường thì chậm nhất sau 2 giờ, kể từ khi phát sinh sự việc cần cung cấp thông tin ban đầu cho báo chí”.

Yêu cầu này của người đứng đầu chính quyền tỉnh là rất quan trọng trong thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tình hình tung tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội có xu hướng gia tăng, gây hoang mang dư luận...

Thực tế cho thấy, việc thông tin chính thức vấn đề, sự việc được dư luận quan tâm xảy ra tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cho cơ quan báo chí thời gian qua còn chậm, cá biệt có trường hợp tránh né, giấu giếm thông tin.

Chính điều đó là “miếng mồi” béo bở để mạng xã hội có điều kiện tung tin tràn lan, thiếu kiểm chứng, dẫn dắt dư luận về một vấn đề chưa rõ ràng. Do không có nguồn tin chính thống, chỉ thông qua đồn đại hoặc phỏng đoán nên nhiều thông tin trên mạng xã hội mang tính phiến diện, chủ quan, nhiều khi sai sự thật, không đúng bản chất vấn đề khiến dư luận hiểu lầm, tạo làn sóng ảo ảnh hưởng đến uy tín của nhiều tổ chức, cá nhân.

Có trường hợp lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt chỉ vì mục đích câu like, câu view, thu hút người xem phục vụ quảng cáo sản phẩm của chủ tài khoản. Nhiều dẫn chứng cho thấy, nếu báo chí có thông tin sớm, chính xác, công khai, kịp thời, công chúng sẽ được tiếp nhận các vấn đề, sự việc một cách đầy đủ, khách quan, trung thực và có định hướng.

Thường cộng đồng mạng sẽ chia sẻ, bình luận các thông tin “hot” trên mạng xã hội một cách cảm tính, đôi khi bốc đồng, thái quá vì chỉ phỏng đoán sự việc, nhưng khi báo chí chính thống thông tin làm rõ, tự khắc các chủ tài khoản hoặc im lặng, hoặc gỡ bình luận.

Những ngày qua, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại T.P Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, trên mạng, có nhiều thông tin mang tính kích động vùng miền, tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc xin của Chính phủ và việc sử dụng quỹ vắc xin phòng, chống dịch; xuyên tạc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương...

Đáng chú ý là đã xuất hiện những thông tin xấu, độc, clip tự phát được xem là của người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa, làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh của chính quyền.

Ở Thái Nguyên, lực lượng chức năng cũng đã xử lý một số trường hợp tung tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến COVID, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức răn đe.

Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, gần đây, một số cá nhân đã sử dụng mạng xã hội và các hình thức truyền tải thông tin khác để đăng tải, chia sẻ, phát tán thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, các văn bản chưa chính thức về tình hình dịch bệnh COVID-19 và văn bản chỉ đạo, điều hành của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật về công tác phòng chống dịch.

Trước tình hình đó, cùng với sớm thông tin chính thức cho cơ quan báo chí, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng, khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật cần kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, phối hợp với các đơn vị chức năng để thẩm định nguồn tin, công bố, cảnh báo tin giả, tin sai sự thật; chủ động xử lý nghiêm các đối tượng phát tán thông tin vi phạm pháp luật...

Qua đây có thể thấy, không chỉ cơ quan, đơn vị, địa phương mà cả người dân cũng cần phát huy tinh thần trách nhiệm khi phát hiện vấn đề, sự việc sớm thông tin cho báo chí và các cơ quan có thẩm quyền để phản ánh và giải quyết kịp thời.

N.S