Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, các trường đã xây dựng phương án tổ chức khai giảng năm học mới và kế hoạch học tập đầu năm. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, các nhà trường và chính quyền địa phương đều thực hiện nghiêm túc nguyên tắc: An toàn mới tổ chức học tập trung; dừng đến trường, nhưng không dừng hoạt động giáo dục.
Cô giáo Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Cẩm 3 (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Năm học này, Nhà trường chuẩn bị đón chuẩn Quốc gia nên toàn bộ giáo viên, phụ huynh, học sinh đều rất háo hức chào đón ngày khai giảng. Đây cũng là năm cơ sở vật chất của Nhà trường được hoàn thiện, hệ thống máy tính hiện đại, sân chơi, bãi tập mới được đầu tư đồng bộ nên tâm lý chào đón năm học mới rất phấn khởi. Vì vậy, việc tổ chức khai giảng trực tuyến khiến không ít giáo viên và học sinh cảm thấy tiếc nuối. Tuy nhiên, thực hiện yêu cầu về phòng, chống dịch, chúng tôi đã tập trung chuẩn bị tổ chức tốt lễ khai giảng trực tuyến đầu tiên của cả thầy và trò Nhà trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) trang trí khuôn viên, cảnh quan để tổ chức quay video chuẩn bị cho Lễ khai giảng trực tuyến.
Vào thời điểm này, toàn bộ giáo viên Trường Tiểu học Sơn Cẩm 3 đang tập trung làm quen với các thiết bị và kỹ năng quay video, xây dựng kịch bản quay phim trực tuyến để thực hiện livestream Lễ khai giảng năm học 2021-2022 vào đúng 7 giờ 30 phút ngày 5-9. Lễ khai giảng sẽ tổ chức trong 50 phút và kết nối trực tiếp đến học sinh thông qua Internet. Theo cô Hương: Băn khoăn lớn nhất hiện nay chính là các em học sinh lớp 1. Lần đầu tiên bước sang môi trường giáo dục mới, cô và trò chưa hề biết nhau nên chúng tôi lo các em sẽ khó hòa nhập với nề nếp sinh hoạt, học tập mới.
Cùng tâm trạng lo lắng khi tổ chức Lễ khai giảng và dạy học trực tuyến, cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho hay: Nhà trường đã xây dựng nhiều phương án dạy học bổ sung cho các tình huống khác nhau. Nếu tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt và bảo đảm điều kiện an toàn trong phòng, chống dịch, toàn thể giáo viên sẽ chia ca, phân nhỏ sĩ số lớp 1 từ 35 xuống còn 10-15 em học sinh/ca để dạy học. Thậm chí có thể học cả ca tối, áp dụng đối với những học sinh lớp 1 nhà ở gần trường. Trước mắt, từ nay đến khai giảng, chúng tôi tập trung tập huấn và thực hành thuần thục việc sử dụng thiết bị và công nghệ để dạy học trực tuyến hiệu quả.
Được biết, theo chỉ đạo của ngành Giáo dục, đối với những cơ sở giáo dục thực hiện kết hợp khai giảng, dạy học trực tiếp và trực tuyến, các nhà trường thực hiện chia nửa sĩ số hoặc phân ca học.
Theo ông Hà Mạnh Cương, Trưởng phòng Giáo dục huyện Võ Nhai: Huyện ưu tiên việc chia ca học đối với toàn bộ học sinh lớp 1, bảo đảm các em phải được giáo viên cầm tay uốn từng nét chữ. Nếu tình hình bắt buộc phải áp dụng 100% học trực tuyến, huyện sẽ tạo các vùng an toàn để bố trí giáo viên tại khu vực đó trực tiếp tổ chức dạy học cho học sinh đầu cấp. Còn đối với các nhà mạng, cũng đã phối hợp với phía nhà trường đầu tư, nâng cấp hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến, đường truyền Internet để đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ông Đào Duy Thái, đại diện Viettel Thái Nguyên nói: Nhu cầu học trực tuyến tăng lên từng ngày, đòi hỏi nhà mạng phải đảm bảo đường truyền, nhanh chóng xử lý sự cố. Trong đợt này, chúng tôi cũng không tăng cước, phí và hướng dẫn giáo viên, nhà trường sử dụng các gói miễn phí trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19. Đối với VNPT Thái Nguyên, đơn vị đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai miễn phí giải pháp giáo dục điện tử VNPT E-Learning phục vụ công tác dạy và học từ xa. Bên cạnh đó, VNPT Thái Nguyên đã miễn phí toàn bộ cước data 3G/4G cho giáo viên, học sinh học tập trên hệ thống; miễn phí máy chủ ảo hoặc chỗ đặt máy chủ phục vụ lưu trữ dữ liệu, bài giảng cũng như hoạt động trực tuyến của các trường…
Có thể thấy, những khó khăn phát sinh từ thực tiễn, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã trang bị thêm cho đội ngũ giáo viên phương pháp tổ chức dạy học trực tuyến và những kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin đối với phụ huynh, học sinh để phục vụ hoạt động giáo dục. Mặc dù thực hiện các giải pháp mang tính tình thế, nhưng sự kỳ vọng, mong muốn của phụ huynh và những nỗ lực của các nhà trường đã cho thấy quyết tâm của ngành Giáo dục trong thực hiện mục tiêu vừa bảo đảm chương trình giáo dục, vừa chủ động và linh hoạt phòng, chống dịch bệnh.