Cập nhật: Chủ nhật 26/09/2021 - 09:53
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tại Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (KCN Yên Bình), tháng 8-2021. (Ảnh T.L)
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân, người lao động tại Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (KCN Yên Bình), tháng 8-2021. (Ảnh T.L)

Từ đầu năm đến nay, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Những tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có hơn 330 doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và khoảng 300 đơn vị phải đóng mã số thuế. Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng giảm tới 12% so với cùng kỳ năm trước… Chính vì thế cần phải có các hoạt động hỗ trợ cấp thiết để giảm thiểu ảnh hưởng từ dịch bệnh đến chuỗi sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 (1/7/2021) đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai các hoạt động hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Bước đầu đã rà soát, thống kê các trường hợp trong phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết, từ đó tiến hành giải ngân hỗ trợ người lao động do phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động bằng cách cho vay trả lương ngừng việc hoặc phục hồi sản xuất...

UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động triển khai các phương án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 105 (09/9/2021) của Chính phủ. Đó là tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, loại bỏ các điểm nghẽn cản trở hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Điều đáng quan tâm là chính quyền sẽ xem xét việc tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh chưa cần thiết (đã có trong kế hoạch năm 2021), chuyển sang thời gian phù hợp sau khi dịch được kiểm soát.

Để việc hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chịu trách nhiệm triển khai các phương án hỗ trợ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh. Khuyến khích các địa phương huy động tối đa nguồn lực hiện có, nhất là hợp tác công tư, xã hội hóa để hỗ trợ sao cho thiết thực, hiệu quả nhất.

Đặc biệt là cần phải quan tâm, nghiên cứu các giải pháp giúp doanh nghiệp thu hút lao động quay trở lại làm việc; chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động từ các địa phương khác trở về… Những trường hợp cán bộ, công chức gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sẽ bị kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định.

Hiện nay, Thái Nguyên đang là “vùng xanh” trong cuộc chiến phòng, chống COVID-19, nên lúc này rất cần đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh để bù đắp cho những tháng khó khăn đầu năm. Đây là giai đoạn “nước rút” để kinh tế Thái Nguyên về đích, hoàn thành các mục tiêu đề ra cả năm.

Nguyễn San