Quản trị điện tử là 1 trong 8 trục nội dung của Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), được đưa vào đánh giá từ năm 2018. Trục nội dung này đo lường các khía cạnh mang tính tương tác của chính quyền điện tử gồm: Sử dụng cổng thông tin điện tử của chính quyền địa phương; tiếp cận và sử dụng Internet tại địa phương; phúc đáp của chính quyền qua cổng thông tin điện tử.
Các tiêu chí cấu thành giúp cung cấp thông tin về độ sẵn có của cổng thông tin điện tử, khả năng đáp ứng của chính quyền địa phương cũng như mức độ tiếp cận thông tin về quy trình, thủ tục, chính sách người dân cần tuân thủ và điều kiện sử dụng Internet của người dân - môi trường thiết yếu để người dân tham gia quản trị điện tử.
Kết quả đánh giá 3 năm liên tiếp (2018-2020), Thái Nguyên đều thuộc nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm số cao. Cụ thể, năm 2018, Thái Nguyên đạt 3,76 điểm, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành; năm 2019 đạt 4,13 điểm, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành; năm 2020 đạt 3,46 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh thành.
Kết quả này là do những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về sử dụng Internet.
Đến nay, mạng lưới cáp quang được kéo đến 100% các xã, cung cấp dịch vụ truy nhập Internet và truyền hình qua cáp quang với chất lượng cao, tạo điều kiện cho các gia đình vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận và sử dụng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng; mạng điện thoại di động có hơn 1.600 điểm thu phát sóng, tăng 50% so với năm 2015, cung cấp dịch vụ điện thoại di động, truy nhập Internet đến xấp xỉ 100% xóm bản; số người dân khai thác, sử dụng Internet trong tỉnh là trên 1,1 triệu người, tăng 140% so với năm 2015.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia, Thái Nguyên đã thực hiện tích hợp, kết nối giữa Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai hệ thống dịch vụ công trực tuyến tại Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, các thủ tục hành chính (TTHC) được cập nhật đầy đủ, kịp thời trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC của Chính phủ.
Đến nay, 100% TTHC được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (dichvucong.thainguyen.gov.vn). Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp ở mức độ 4 đạt 100% (1231/1231 TTHC).
Bà Nguyễn Hồng Hạnh, tổ 4, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), cho biết: Tôi rất phấn khởi vì hiện nay nhiều TTHC đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Người dân có thể ngồi tại nhà, truy cập vào cổng dịch vụ công, thực hiện các thủ tục, nhận kết quả mà không cần phải đến cơ quan nhà nước.
Nhằm tiếp tục cải thiện trục nội dung quản trị điện tử, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử.
Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng Internet thuận lợi mọi nơi, mọi lúc; nhanh chóng tiếp nhận và xử lý, phản hồi các kiến nghị, phản ánh của người dân qua Cổng thông tin điện tử theo đúng quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tham gia góp ý với chính quyền các cấp qua hệ thống thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước.