Bài 1: Từ thuở hồng hoang
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hán Nôm học Phạm Thuỳ Vinh giải thích cho tôi hai từ Thái Nguyên thế này: Thái là to, là rộng lớn, mênh mông, khoáng đạt và yên lành. Nguyên là nguồn, đầu nguồn; cũng còn nhiều nghĩa nữa, nhưng cốt cách bao trùm hai tiếng Thái Nguyên vẫn là một vùng đất lành, rộng lớn, đầu nguồn và địa linh, nhân kiệt...
Thuở hồng hoang, từ 7 vạn đến 1 vạn năm trước Công nguyên, Thái Nguyên là nơi cư trú của người Việt cổ. Khi các vua Hùng dựng nước, với vị trí địa lý thích hợp, Thái Nguyên nằm giữa cương vực của Nhà nước Văn Lang và cho đến các giai đoạn sau này vị trí phên giậu cho kinh thành Thăng Long luôn là Thái Nguyên… Nhận định trên có cơ sở chắc chắn bởi những năm 70, 80 của thế kỷ trước, Nhà nước đã công nhận Thần Sa, Võ Nhai là một trong những chiếc nôi của loài người.
Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng (1938-2005), một trong những yếu nhân của công cuộc khai quật Di chỉ khảo cổ học hang Phiêng Tung (Miệng Hổ) và Mái Đá Ngườm (Thần Sa) từng khẳng định: “Dưới miền đất rừng là mỏ, từ ngàn xưa đã nằm trong khung cảnh chung của văn minh Đông Sơn, cái hoành tráng của những trống đồng, những mỏ đồng, sắt, thiếc, chì, vàng đã làm nên một Thái Nguyên”. Rằng: “Tỉnh nhà tổ chức quản lý khai thác tốt chất hội tụ, chất tiếp xúc ngược xuôi này thì cả kinh tế, văn hoá, xã hội sẽ vô cùng đa dạng...”. Điều này có nghĩa là, từ khoảng 40.000-23.000 năm trước (thời hậu kỳ Đồ đá cũ), người Việt đã sinh sống tại đây. Cũng có nghĩa, Thái Nguyên là một trong những chiếc nôi của loài người, về niên đại còn xa xưa hơn nhiều nền văn hoá khác trên đất Việt…
Một ngày giữa năm 2021, chúng tôi đi sâu vào vùng lõi rừng nguyên sinh đặc dụng Thần Sa… Ngoài anh Dương Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai; anh Bắc, anh Thanh, Bí thư, Chủ tịch xã Thần Sa còn có ông Đồng Văn Lan (75 tuổi). Năm 1972, khi có đoàn khảo cổ đến, là thổ dân, ông Lan đã phụ giúp đoàn và thường xuyên đến khu rừng này. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Di chỉ khảo cổ học Mái Đá Ngườm, thuộc xóm Trung Sơn.
Mái Đá Ngườm có hình hàm ếch, chiều ngang 60m, cao 30m, mặt nền mái đá rộng 70 mét vuông, cao hơn mặt nước sông mùa khô 29 mét. Ngườm nằm trọn trong dãy núi đá các-tơ bao bọc thung lũng Thần Sa và kết nối với các di chỉ: Phiêng Tung, Thắm Choong, Hạ Sơn… được xác định là nơi cư trú lâu năm của cư dân cổ… Mái Đá Ngườm có 3 tầng văn hoá, phát triển liên tục, không có ngăn cách bởi tầng vô sinh, song có thay đổi khá rõ trong tổ hợp di vật và thành phần động vật từ cuối thời kỳ Pleistocene đến đầu thời kỳ Holocene.
Tầng thứ nhất có niên đại tuyệt đối cổ 40.000 đến 23.000 năm trước Công nguyên (các khai quật, hiện vật thu được và nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy niên đại của Ngườm còn xưa tới 70.000 năm). Tầng văn hoá thứ hai có niên đại 23.000 năm trước Công Nguyên, sớm hơn các di tích Văn hoá Hoà Bình mà chúng ta đã biết. Tầng văn hoá thứ ba có niên đại 18.000 năm trước Công nguyên. Công cụ tìm thấy tại Ngườm, hay Phiêng Tung tiêu biểu cho cả 3 tầng văn hoá, và các nhà khảo cổ học quốc tế xác định là niên đại trung - hậu kỳ đồ đá cũ.
Còn môi trường sống và hoạt động kinh tế của cộng đồng cư dân cổ ở Ngườm, Phiêng Tung… dựa trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, các nhà khảo cổ học đã đưa ra kết luận: Dù cư trú trong hang động hay ngoài trời, cư dân Thần Sa là những người nguyên thuỷ sống nhờ săn bắt, hái lượm, hoạt động kinh tế cũng chỉ trong khuôn khổ kinh tế tích lũy ngắn hạn để duy trì sự sống. Ông Đồng Văn Lan (đang làm việc trong Ban Bảo vệ Di chỉ khảo cổ học cấp Quốc gia, tự quản của xã) gói gọn “vốn liếng’’ xã mình trong mấy câu văn vần như thế này: Thần Sa có thác mưa rơi/Đá Ngườm, Miệng Hổ hang người xưa sinh/ Bản Ná vàng đẹp quê mình/Là nơi du khách ân tình đến thăm/Phiêng Tung đã mấy vạn năm/Bốn tầng văn hóa tổ tông trao mình…
Nhiều hiện vật thuộc Di chỉ khảo cổ Mái đá Ngườm, ở xã Thần Sa (Võ Nhai) được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: T.L
Nói đến Thần Sa là phải nói đến nét riêng có: Những núi đá vôi dầy đặc, kỳ vĩ thuộc phần cuối của sơn hệ Bắc Sơn; những dải thung lũng hẹp dọc đôi bờ sông Thần Sa… Do là nơi thâm sơn, cùng cốc nên ngay bây giờ xã cũng chỉ có 3 dân tộc định cư nhiều đời là Tày, Dao, Mông sinh sống. Xã có 9 xóm, bản thì ngay cái tên cũng mang đậm nét riêng: Tân Sơn, Kim Sơn, Hạ Sơn Tày, Hạ Sơn Dao, Ngọc Sơn 1, Ngọc Sơn 2, Xuyên Sơn, Tân Kim, Thượng Kim… Giai đoạn 1982 - 1984, khi đang làm phóng viên Báo Bắc Thái, chúng tôi cũng đã hơn một lần theo các đoàn khảo cổ học lên đây. Khi ấy, Thần Sa còn xa ngái, hoang vu, rậm rạp, dân cư thưa thớt. Các nhà khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện được một loạt các di chỉ khảo cổ có giá trị ở cả ở Ngườm lẫn Phiêng Tung, những công cụ mũi nhọn và công cụ nạo, công cụ gia công tương đồng Văn hóa Mút-xchi-ê thời đại trung kỳ đồ đá cũ thế giới cũng như trung kỳ đồ đá cũ Ấn độ Nevasien…
Giáo sư Trần Quốc Vượng năm 1984 cũng đã cho đăng trên tờ Bắc Thái bài “Bắc Thái - Anh là ai?” nổi tiếng. Bằng cách tự vấn, Giáo sư lần lượt lý giải về quê hương, nguồn cội, di sản và chiều sâu văn hóa. Truyền thống yêu nước, cách mạng, kháng chiến Bắc Thái vốn đã đầy đặn, thêm Thần Sa, giá trị và niềm tự hào không thể đong đếm. Khi đã rõ Anh là ai, Giáo sư Trần Quốc Vượng kêu gọi sự trân quý và bảo vệ, gìn giữ, phát huy những giá trị thiêng liêng này. Nói Di chỉ khảo cổ học, di sản Quốc gia ngót 40 năm trước âm vang là thế, nay đang trôi vào quên lãng có thể hơi quá. Nhưng thực tế chúng ta đang cư xử với nơi này chưa thỏa đáng, không khỏi day dứt cho những ai biết chuyện.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa Lê Việt Bắc thì từ lâu và hiện tại, Thần Sa rất khó khăn. Xã có 3.000 dân, hầu hết là dân tộc Tày, Dao, Mông còn vất vả, 14,2% hộ nghèo, 15,1% trẻ suy dinh dưỡng, xã mới chỉ đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới… là một thực tế. Nghèo khó lại thiếu đầu tư từ bên ngoài nên việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích trông chờ vào lòng yêu quê hương của những người như ông Lan mà thôi... Thần Sa nghèo khó trên tài nguyên phong phú của chính mình. Ngoài tự hào địa phương là một trong những chiếc nôi của loài người, Thần Sa còn là kho rừng gỗ nghiến nguyên sinh, dồi dào động, thực vật của loại rừng hỗn giao và khoáng sản vàng.
Nhiều năm trở lại đây, Thần Sa luôn là điểm nóng của vàng tặc, của khai thác vàng. Dòng sông Nghinh Tường, Thần Sa chở đầy huyền tích đại ngàn nhiều năm bị chia cắt, đào xới. Bây giờ, nạn lâm tặc không còn, vàng tặc cũng cơ bản được dẹp bỏ. Xã chỉ còn ba, bốn doanh nghiệp đang tổ chức khai thác vàng có phép, cho nên cũng không còn nhiều phiền toái… Ba, bốn mỏ vàng, mỏ cát do doanh nghiệp đang khai thác là mỏ Đèo Cắng Cô Tiên, mỏ vàng Nam Khắc Kiệm, mỏ Bãi Mố…
Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện uỷ Võ Nhai tự hào: Báo chí đã đánh thức một địa chỉ đỏ rất quan trọng của địa phương, của tỉnh, của đất nước. Việc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Võ Nhai chúng tôi là bảo vệ và phát huy tài sản đó. Võ Nhai là huyện miền núi, có truyền thống yêu nước và cách mạng từ ngàn đời nay. Những năm 70 - 80 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học đã khai quật và khẳng định những di chỉ khảo cổ học ở Thần Sa, chứng minh đây là một trong những cái nôi của loài Người. Di tích khảo cổ này đã được cấp Bằng di tích Quốc gia. Hơn 40 năm qua, Võ Nhai đã không ngừng bảo vệ, tôn tạo khu di tích giá trị lớn lao này. Tuy nhiên, việc khai thác di chỉ khảo cổ du lịch lịch sử chưa được nhiều. Một tin vui là giới chuyên môn vẫn tiếp tục khám phá và đang đề nghị cấp bằng Di tích Quốc gia đặc biệt cho Di chỉ Thần Sa. Huyện sẽ nỗ lực để phát huy giá trị lịch sử trong công cuộc đổi mới hôm nay.
(Còn nữa)