Là Trung tâm căn cứ địa Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến của cả nước, nhân dân các dân tộc Thái Nguyên sớm được hưởng nhiều thành quả của các chính sách kinh tế - xã hội do Đảng và Nhà nước ban hành. Thái Nguyên cũng là địa phương được thực hiện thí điểm nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Đầu năm 1954, sau 100 ngày thực hiện, 47 xã thuộc 4 huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Bình và Phổ Yên đã hoàn thành nhiệm vụ cải cách ruộng đất đợt 1. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khuyết điểm đã được Hồ Chủ tịch chỉ rõ khi người đến thăm và nói chuyện tại Hội nghị tổng kết ngày 12/9/1954 “… Nếu biết phân hóa địa chủ thì công việc dễ dàng hơn. Lúc học điểm đó thì nhiều cán bộ cho là hiểu rồi, nhưng lúc làm thì sai. Có người có tư tưởng “thà tả hơn hữu”, thế là không đúng… Phải biết nắm vững chính sách biết dựa vào quần chúng, biết phân hóa địa chủ… Có một số cán bộ cũ tự kiêu tự đại cậy mình đã đi phát động vài đợt rồi, không chịu nghiên cứu chỉ thị cấp trên, lơ là giúp cán bộ mới”
Từ ngày 22/10/1954, Thái Nguyên bước vào cuộc cải cách ruộng đất đợt 2 ở 22 xã thuộc các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình và Phổ Yên. Ở đợt thứ 2, công việc gặp nhiều khó khăn do nhiều địa chủ tìm cách chống đối, phân tán tài sản, khống chế, mua chuộc, đe dọa những người tham gia đấu tố. Tháng1-1955, đợt 2 cải cải cách ruộng đất ở 22 xã kết thúc thắng lợi. Hơn 34.594 mẫu ruộng, 5.233 con trâu bò, 514 tấn thóc, hàng ngàn nông cụ từ tay giai cấp địa chủ đã bị tịch thu, trưng thu, trưng mua chia cho 21.024 hộ nông dân lao động không có ruộng, hoặc ít ruộng.
Cùng thời gian trên, Đảng bộ các huyện Phú Lương, Võ Nhai, Định Hóa cũng lãnh đạo nhân dân ở 73 xã miền núi đấu tranh đòi địa chủ giảm tô, giảm tức thắng lợi. Ngày 21/1/1955, Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt 2 được tổ chức khẳng định nhiệm vụ cải cách ruộng đất ở Thái Nguyên kết thúc thắng lợi; đánh đổ hoàn toàn giai cấp địa chủ, phong kiến, thủ tiêu hoàn toàn chế độ chiếm hữu ruộng đất và phương thức bóc lột của chúng ở nông thôn; biến ước mơ “người cày có ruộng” của nông dân trở thành hiện thực; từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý.
Di tích địa điểm thành lập Trường Thiếu nhi rẻo cao Khu tự trị Việt Bắc (nay là Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc) vào năm 1957, ở phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên). Ảnh: L.L
Do Thái Nguyên là tỉnh miền núi, trung du với hơn 95% dân số sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, nên công tác lãnh đạo cải tạo XHCN ở Thái Nguyên trước hết và chủ yếu là công tác lãnh đạo vận động nông dân đi vào làm ăn tập thể. Đây là cuộc vận động to lớn và hết sức khó khăn vì tập quán sản xuất nhỏ lẻ đã ăn sâu trong tiềm thức của người nông dân. Trình độ văn hóa, kiến thức, kinh nghiệm quản lý sản xuất nông nghiệp tập thể của đội ngũ cán bộ ở tỉnh còn nhiều hạn chế. Mặt khác, đây là cuộc cách mạng chưa có hình mẫu để học tập mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Bắt tay vào thực hiện, năm 1955, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo xây dựng thí điểm 3 hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp: Cầu Thành, Sơn Tập, Xóm Gò (xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ), đồng thời lãnh đạo tiếp tục củng cố và phát triển các tổ đổi công. Đầu năm 1956 xây dựng thêm 2 HTX thí điểm, nâng tổng số HTX thí điểm lên 5 đơn vị. Nhưng do chưa có kinh nghiệm nên các HTX đều lúng túng trong quản lý lao động, điều hành sản xuất và phân phối sản phẩm. Cuối năm 1956, tình hình nông thôn trở nên rối ren, 3 HTX hoạt động cầm chừng, 2 HTX không còn hoạt động và đến giữa 1957 một HTX bị vỡ.
Đúng vào lúc khó khăn ấy, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên đón Bác Hồ về thăm. Ngày 2/3/1958, nói chuyện với đông đảo cán bộ, xã viên 4 HTX thuộc 2 xã Hùng Sơn và Độc Lập (nay là Tiên Hội, huyện Đại Từ) cùng một số cán bộ huyện, tỉnh và khu, Bác căn dặn, động viên mọi người phải hăng hái tham gia xây dựng tổ đổi công, xây dựng HTX nông nghiệp, tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới ấm lo, hạnh phúc.
Thực hiện mong muốn của Bác, phong trào đổi công lao động sản xuất nhanh chóng được phục hồi. Năm 1958, toàn tỉnh có 4.257 tổ đổi công, tăng gần 300 tổ so với năm 1957; các tổ đổi công đã hoạt động thực chất, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, phong trào xây dựng HTX cũng phát triển nhanh. Từ những hợp tác xã thí điểm, kinh nghiệm vận hành, quản lý, tổ chức sản xuất được Đảng bộ lãnh đạo đúc rút và phổ biến kịp thời. Đến hết năm 1958, toàn tỉnh đã được xây dựng 28 hợp tác xã với 492 hộ gia đình xã viên.
Cùng với tin vui đó, ngày 4/6/1959, Hội đồng Chính phủ ra quyết định thành lập công trường khu Gang thép Thái Nguyên. Hơn 22 nghìn cán bộ, chiến sĩ quân đội và nam, nữ thanh niên từ khắp mọi miền tổ quốc hội tụ về đây, cùng nhau hăng say lao động, không ngại khó khăn, gian khổ, san đồi, bạt núi, xúc hàng triệu mét khối đất đá, đổ hàng vạn tấn bê tông, những nhà máy, phân xưởng, mỏ với diện tích rộng gần 160ha đã lần lượt ra đời. Sau gần 3 năm, hơn 50 quả đồi với gần 11 triệu mét khối đất, đá được san gạt; hàng vạn tấn bê tông, hàng ngàn tấn vật tư thiết bị được vận chuyển về mặt bằng công trường khu Gang thép để xây dựng nên khu công nghiệp luyện kim đầu tiên của Việt Nam.
Đúng ngày Quốc khánh 2/9/1960, Công trường Khu công nghiệp Gang thép làm lễ khởi công bằng việc đổ bê tông móng lò cao số 1 - mở đầu một giai đoạn lịch sử của ngành Luyện kim hiện đại Việt Nam.
Năm 1960 cũng là mốc thời gian đánh dấu hàng loạt xí nghiệp quốc doanh địa phương, với các ngành nghề: Khai thác sản xuất, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến lâm sản, thực phẩm, dệt, da, may mặc được hình thành và đi vào hoạt động. Giá trị tổng sản lượng công nghiệp địa phương trong năm này tăng gần 5 lần so với năm 1955, sản phẩm chủ yếu là các mặt hàng điện, than, nông cụ, phân bón, vật liệu xây dựng. Hệ thống mậu dịch quốc doanh và HTX mua bán ngày càng được mở rộng với nhiều chủng loại mặt hàng phong phú, trong đó có 3 mặt hàng thiết yếu đối với đời sống của cán bộ và nhân dân là vải, muối ăn và dầu thắp sáng. Ba mặt hàng thiết yếu này thường xuyên được cung ứng, bảo đảm kịp thời việc phân phối theo định lượng cho cán bộ và nhân dân.
Sự nghiệp văn hóa - giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ nhịp độ phát triển. Trong 3 năm (1958-1960) toàn tỉnh có thêm 28.000 người thoát nạn mù chữ, 30.000 lượt người theo học các lớp bổ túc văn hóa (chủ yếu là lớp 1, lớp 2), 122 cán bộ cấp huyện, 621 cán bộ cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trong các trường, lớp bổ túc văn hóa công nông. Số trường, lớp, giáo viên và học sinh phổ thông mỗi năm một tăng. Riêng năm học 1959-1960 toàn tỉnh có 162 trường, 944 giáo viên và 34.829 học sinh cả 3 cấp. Các loại hình sân khấu nghệ thuật, điện ảnh mỗi năm phục vụ trên một triệu lượt người xem. Đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã được cải thiện rõ nét.
Sau khi hoàn thành đợt 2 cải cách ruộng đất và đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế sau chiến tranh, Thái Nguyên cùng với tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang tiến hành cuộc vận động thành lập Khu Tự trị Việt Bắc. Tháng 8-1956, Khu tự trị Việt Bắc chính thức được thành lập. Thị xã Thái Nguyên vinh dự được chọn làm thủ phủ của Khu.
Cuối những năm kháng chiến chống Pháp, chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, nhu cầu chi viện sức người, sức của cho các chiến trường ngày càng nhiều. Đảng bộ tỉnh phải tập trung cao độ lãnh đạo nhân dân dồn sức cho kháng chiến và thực hiện nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước. Nổi bật là thí điểm thực hiện: Chính sách thuế nông nghiệp (từ tháng 5-1951; thí điểm giảm tô và thực hiện giảm tô (1952-1954); thí điểm cải cách ruộng đất và thực hiện cải cách ruộng đất; sửa sai cải cách ruộng đất (1953-1957). Năm 1958, các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai được Quân ủy Việt Bắc chọn làm nơi thí điểm thi hành Luật Nghĩa vụ Quân sự. |
(Còn nữa)