Một cảnh trong vở kịch Bệnh sĩ
Một thời vàng son
Kịch nói hình thành ở Việt Nam diễn ra song song với sự ảnh hưởng của văn hóa Pháp nói riêng và văn hóa phương Tây nói chung. Đặc biệt là sau khi nhiều tác phẩm kinh điển của Pháp được học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Việt, trong đó có các vở kịch Trưởng giả học làm sang, Lão hà tiện, Bệnh tưởng...
Năm 1911, Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng, đánh dấu một sự chuyển biến quan trọng trong hoạt động biểu diễn ở Việt Nam khi đó. Nhớ về một thời vàng son, sân khấu kịch Việt Nam có những giai đoạn khán giả rồng rắn xếp hàng mua vé trước cửa rạp, thậm chí phải mua vé chợ đen, để được thưởng thức Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Đợi đến mùa xuân; Bệnh sĩ… Đó cũng là thời của hàng loạt tác giả tên tuổi như Lưu Quang Vũ, Xuân Trình; đạo diễn Thế Lữ, NSND Nguyễn Đình Nghi, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng... Có những vở mỗi ngày phải diễn tới 4-5 suất để đáp ứng yêu cầu của khán giả.
Để kỷ niệm dấu mốc 100 năm này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã quyết định tái dựng tác phẩm kịch nói đầu tiên Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long. Chia sẻ về sự kiện đặc biệt này, Chủ tịch hội - NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, việc dựng lại và biểu diễn vở Chén thuốc độc là hoạt động chính kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Vở kịch phản ánh hiện thực xã hội đương thời một cách sâu sắc và chân thực, qua nghệ thuật kịch ảnh hưởng phương Tây. Vấn đề hiện đại hóa đã được thể hiện qua thể loại, nội dung và hình thức, mở đường cho sự phát triển của loại hình kịch nói hiện đại sau này.
Cũng chính bởi sự đặc biệt ấy, nhiều diễn viên của các nhà hát cùng được chọn để tham gia vở diễn. Đây không chỉ là tác phẩm ghi dấu thành quả lao động nghệ thuật của hậu bối, mà còn là cái mốc để các nghệ sĩ cùng tự soi lại chặng đường đã qua để tự hoạch định đường hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Chờ những tín hiệu mới
Nhìn lại chặng đường 100 năm hình thành và phát triển, sân khấu kịch nói ngày hôm nay không còn hấp dẫn như những giai đoạn huy hoàng trước đây. Là người đau đáu và tâm huyết với sân khấu, NSƯT Trần Lực tâm sự: Vì sao sân khấu kịch giậm chân tại chỗ và ngày càng mất đi khán giả? Tôi tin khán giả vẫn còn yêu sân khấu. Vấn đề là sản phẩm của chúng ta thế nào và chúng ta có hiểu được khán giả đang muốn gì? Tôi cho rằng sân khấu kịch lạc hậu, tụt dốc là do nhận thức về sáng tạo của người nghệ sĩ. Với nghệ thuật, dấu ấn sáng tạo cá nhân là vô cùng quan trọng, nhưng lại chính là điều chúng ta đang thiếu. Chưa kể, từ tác giả cho tới người quản lý các đơn vị nghệ thuật cũng đang tự tạo ra ranh giới và tự kiểm duyệt cho mình bằng cách né tránh những đề tài thời sự được cho là nhạy cảm.
Nhiều đạo diễn, người làm sân khấu kịch nhìn nhận, sân khấu kịch nói đang mang diện mạo nửa bao cấp, nửa thị trường và quan trọng hơn cả là không có kịch bản hay thì đạo diễn dẫu có tài năng cũng khó phát huy sáng tạo. Nhìn thấy rõ được điểm yếu đó, nhiều năm qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã nỗ lực tổ chức các trại sáng tác, kêu gọi, tạo điều kiện cho các cây bút trẻ tham gia, song kết quả chưa được như mong muốn. “Chưa có được những cây bút tâm huyết, tài năng, đau đáu với sân khấu như thế hệ trước”, NSND Thúy Mùi chia sẻ.
Khác với những thể loại nghệ thuật khác, công chúng của kịch nói đòi hỏi tác phẩm phải bám sát hơi thở của xã hội đương đại với những mới mẻ, sinh động và lôi cuốn. Nhưng trên thực tế, những vở diễn như vậy còn quá hiếm hoi, trong khi các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao và nhiều loại hình giải trí hấp dẫn ồ ạt xuất hiện, làm cho sức hút nghệ thuật truyền thống nói chung, của kịch nói nói riêng ngày càng giảm sút.
Một thế kỷ trôi qua, với bao thăng trầm, sâu khấu kịch nói Việt Nam chắc hẳn vẫn có những điều tiếc nuối. Dẫu việc thay đổi không thể diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng sân khấu kịch không thể sống mãi với hào quang quá khứ mà cần sáng tạo, đổi mới. Do vậy, dấu mốc 100 năm được kỳ vọng sẽ tạo được cú huých mới đưa kịch nói đến gần hơn với khán giả.