Nguyên nhân là do tuyến đường tỉnh (ĐT) 266 đoạn thuộc địa phận xã Hồng Tiến cấm ô tô lưu thông để phục vụ thi cầu vượt đường sắt, nhưng nhiều xe ô tô không đi theo hướng dẫn phân luồng mà luồn lách qua các tuyến đường dân sinh.
Theo phản ánh của người dân, từ khi tuyến ĐT266 (đoạn qua địa bàn xã Hồng Tiến) cấm ô tô để thi công cầu vượt đường sắt, mật độ xe ô tô di chuyển qua các xóm này tăng cao đột biến, đặc biệt là vào các giờ cao điểm. Trong đó có không ít xe tải, xe chở công nhân lưu thông khiến giao thông lộn xộn.
Ông Trần Văn Long, Trưởng xóm Ngoài cho biết: Đường xóm nhỏ hẹp nhưng có nhiều ô tô di chuyển qua, đã có không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra tại đây.
Còn bà Dương Thị Duyên, người dân xóm Mãn Chiêm lo lắng: Đây là con đường đi đến Trường Mầm non và Tiểu học Hồng Tiến của con em chúng tôi. Thật sự nguy hiểm cho các cháu và nhanh hỏng đường nếu tiếp tục có nhiều xe ô tô đi qua đây. Riêng tuyến đường xóm Mãn Chiêm dù vừa hoàn thành và đưa vào dụng từ tháng 6-2021 nhưng nay đã bị rạn nứt một đoạn dài hơn 20 mét…
Trước tình trạng này, để bảo vệ đường giao thông và ATGT, người dân 3 xóm đành phải đặt biển cấm xe ô tô, dựng barie và bố trí từ 3-5 người trực trên các tuyến đường dân sinh ngăn không cho các xe ô tô di chuyển từ ĐT266 qua xóm. Tuy vậy cũng có nhiều trường hợp lái xe tranh thủ thời điểm các “chốt” không có người trực để vượt qua.
Nhiều xe tải đi qua tuyến đường dân sinh của xóm Giếng và xóm Mãn Chiêm, xã Hồng Tiến gây mất ATGT.
Sở dĩ có tình trạng trên là do từ tháng 7 vừa qua, tuyến ĐT.266 thuộc địa phận xã Hồng Tiến, đoạn từ Km0+00 (nút giao Sông Công, giao Quốc lộ 3 cũ) đến Km1+300 (giao đường gom Quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên) tổ chức cấm xe ô tô (trừ các phương tiện cá nhân của các hộ dân sinh sống trong khu vực hai bên đường), để thực hiện Dự án cải tạo, nâng cấp ĐT.266.
Để di chuyển qua địa điểm trên, xe ô tô sẽ đi theo đường Lương Sơn (T.P Sông Công) hoặc xuống nút giao Ba Hàng - Phổ Yên (T.X Phổ Yên). Tuy nhiên, nhiều lái xe đã tìm cách đi tắt vào các tuyến đường dân sinh để tiết kiệm thời gian, chi phí.
Một nguyên nhân khác là theo quy định thì 2 vị trí Km0+00 và Km1+300 sẽ được đặt 2 chốt barie, bố trí 2 cán bộ của nhà thầu thi công hướng dẫn phân luồng đảm bảo thi công trong suốt quá trình triển khai, nhưng hơn 1 tháng nay, điểm chốt tại Km1+300 thường xuyên không có người trực.
Để giải quyết tình trạng trên, người dân kiến nghị chủ đầu tư Dự án, đơn vị thi công tham mưu với cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh phương án phân luồng cho xe ô tô được di chuyển qua tuyến đường gom xóm Giếng (xã Hồng Tiến) - Quốc lộ 3 cũ đi vào ĐT.266. Bởi hiện nay, tuyến đường này mới chỉ được phân luồng cho xe máy đi qua, các xe ô tô chưa thể lưu thông do vướng cọc chắn nằm trên vị trí giao cắt với tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên.
Vì thế, nếu các cọc chắn này được tháo giỡ, đồng thời bố trí người trực để hướng dẫn phân luồng giao thông sẽ bảo đảm điều kiện cho các xe ô tô qua lại. Từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách từ 4-5km so với phương án phân luồng hiện tại và vẫn bảo đảm phục vụ thi công cầu vượt đường sắt.
Trường hợp giữ nguyên phương án phân luồng, đơn vị thi công cần bố trí người trực trên ĐT.266, đoạn thuộc xã Hồng Tiến. Ngoài ra, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.