Cập nhật: Thứ tư 01/12/2021 - 10:55
Trên một số tuyến đường của T.P Thái Nguyên, các biển báo hiệu, biển chỉ dẫn giao thông vẫn lẫn lộn giữa Quán Triều và Quan Triều.
Trên một số tuyến đường của T.P Thái Nguyên, các biển báo hiệu, biển chỉ dẫn giao thông vẫn lẫn lộn giữa Quán Triều và Quan Triều.

Không ít người vẫn thường nhầm lẫn tên của phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) là phường Quán Triều. Việc nhầm lẫn này không chỉ thể hiện trong những câu chuyện của người dân, trên biển chỉ dẫn ở một số tuyến phố mà còn ở nhiều văn bản của các cấp, ngành. Điều này dẫn đến nhiều bất cập nên cần sớm điều chỉnh.

Cuốn lịch sử Đảng bộ phường Quan Triều (giai đoạn 1947-2014) có ghi: Quan Triều là một địa danh có lịch sử lâu đời. Tương truyền vào thời nhà Lý (1009-1225), nơi đây có người làm quan trong triều đình nên được gọi là Quan Triều.

Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, đặc biệt do cách phát âm của bà con đồng bào dân tộc sinh sống trước đây nên mảnh đất này đã có thêm một tên gọi khác là Quán Triều. Từ đó đến nay, trong các câu chuyện của người dân hay tại nhiều văn bản, đặc biệt các dữ liệu trên hệ thống điện tử Quốc gia, của tỉnh hay của T.P Thái Nguyên cũng có sự nhầm lẫn này.

Ông Trần Thái Hòa, Chủ tịch UBND phường Quan Triều cho biết: Lâu nay, tại các văn bản của phường, chúng tôi đều thống nhất và chỉ sử dụng tên Quan Triều. Tuy nhiên, một số biển chỉ dẫn giao thông trên đường phố; trụ sở một số doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn lại có tên Quán Triều, gây ra sự nhầm lẫn cho người dân.

Đơn cử, trên đường Quan Triều, cạnh đền thờ Quan Triều lại có ga Quán Triều. Hay các biển tên, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo ghi tên Quán Triều vẫn hiện hữu khắp nơi. Cũng từ sự chưa thống nhất này nên vừa qua, phường đã có 700 công dân phải làm lại căn cước công dân, bởi trên hệ thống dữ liệu Quốc gia không có tên của phường Quan Triều mà chỉ có tên Quán Triều.

Việc không sử dụng đúng tên địa danh cũng gây ra nhiều bất cập cho người dân ở địa phương cũng như cán bộ làm việc tại phường.

Bà Nguyễn Thị Việt Hồng, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Quan Triều nói: Hằng ngày, tôi tiếp xúc với rất nhiều loại văn bản, giấy tờ của các cấp, ngành. Do vậy, việc sử dụng lẫn lộn giữa Quan Triều - Quán Triều thường xuyên xảy ra. Chỉ đơn cử như giấy khai sinh hay hợp đồng vay vốn ngân hàng, hợp đồng điện nước… đều ghi Quán Triều. Sự nhầm lẫn này xuất phát từ cả phía người dân và các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Do vậy, tôi phải sửa thủ công thường xuyên, rất bất tiện. Nhiều khi không để ý sửa, người dân lại phải đi lại nhiều lần vì văn bản không khớp với đơn vị giao dịch.

Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên).

Còn ông Lưu Minh Tân, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Quan Triều cho biết: Trên hệ thống điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia,… cũng hiển thị là phường Quán Triều. Do vậy, các dữ liệu cá nhân về địa danh của người dân trên địa bàn phường đều không chính xác.

Liên quan đến tên địa danh của phường Quan Triều, đã có không ít người dân, nhất là các cụ cao niên ở T.P Thái Nguyên đã bày tỏ rõ quan điểm, đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan sớm có điều chỉnh tránh gây phiền hà, nhầm lẫn.

Ông Hồ Xuân Sỹ (97 tuổi), ở phường Phú Xá, là sĩ quan Quân đội đã nghỉ hưu đề nghị sửa lại tên nhà ga Quán Triều thành ga Quan Triều cho đúng với địa danh hành chính, nơi xây dựng nhà ga; các sở, ngành liên quan cần rà soát, kiểm tra, sửa chữa lại các biển chỉ đường đang ghi sai tên địa danh của phường Quan Triều. Theo ông, việc viết đúng tên địa danh còn nhằm lưu truyền, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.

Bổ sung thêm các dữ kiện lịch sử về địa danh Quan Triều, ông Hồ Xuân Sỹ cho rằng, sở dĩ vùng đất này có tên Quan Triều là vì ngày xưa nơi đây gắn liền với danh tương Dương Tự Minh. Ông là người dân tộc Tày, thủ lĩnh phủ Phú Lương dưới triều Lý, là người đức độ, có tài thao lược, được nhà Lý hai lần gả công chúa (Diên Bình và Thiều Dung). Sau khi mất, ông được người dân dựng đền thờ ở nhiều nơi. Để tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân đã đặt tên cho vùng đất này là Quan Triều, gắn liền với điển tích về Dương Tự Minh.

Có thể nói, việc sử dụng tên Quan Triều có nhiều ý nghĩa lịch sử; việc thống nhất lại tên gọi trên các văn bản, dữ liệu điện tử, trên các biển báo, biển chỉ dẫn … là cần thiết.

Kim Oanh