Hơn nửa năm nay, các hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy, kỳ họp HĐND hay các phiên họp thường kỳ của UBND đều được T.P Thái Nguyên triển khai “phòng họp không giấy tờ”. Mọi tài liệu dự họp đều số hóa trên máy tính bảng, đầy đủ thông tin, dữ liệu. Nhiều hội nghị còn được tổ chức trực tuyến kết nối với 32 điểm cầu phường, xã.
Ông Trần Nam Thái, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Thái Nguyên chia sẻ: Hiện nay, trước mỗi cuộc họp Thành ủy, tài liệu được chuẩn bị, xem xét kỹ lưỡng và cập nhật lên hệ thống để các thành viên nghiên cứu trước. Việc làm này không chỉ giúp các đại biểu có thể truy cập tức thời nhiều tài liệu liên quan đến nội dung cuộc họp, tiết kiệm thời gian và chi phí văn phòng phẩm, tránh được những sai sót trong sắp xếp tài liệu, mà đại biểu còn có thời gian để nghiên cứu tài liệu nên chất lượng thảo luận tại các cuộc họp được nâng lên rất nhiều.
Ngoài triển khai “phòng họp không giấy tờ”, T.P Thái Nguyên còn thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường mạng. Thực hiện công khai, minh bạch 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, niêm yết công khai các danh mục, quy trình nội bộ, giấy tờ, hồ sơ, mức thu phí và thời gian giải quyết đối với tất cả các TTHC thuộc các lĩnh vực tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của UBND thành phố, Cổng thông tin điện tử thành phố để các tổ chức và công dân tra cứu.
Hiện, T.P Thái Nguyên đã công khai danh mục của 275 TTHC cấp huyện, 113 TTHC cấp xã trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND thành phố. Cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND thành phố cũng đã cung cấp tổng số 156 TTHC mức độ 3, 115 TTHC mức độ 4, thực hiện trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Đã thành thói quen, mỗi khi có nhu cầu nộp hồ sơ hành chính, hay cập nhật thông tin về nhà đất, ông Trần Văn Hà ở phường Cam Giá lại tra cứu trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND T.P Thái Nguyên. Theo ông Hà, đây là hình thức tương tác giữa chính quyền và người dân vừa thuận tiện, giảm bớt thời gian đi lại, tránh phiền hà giữa người dân và cán bộ thực thi công vụ.
Hiện nay, công dân T.P Thái Nguyên cũng tích cực cài đặt và sử dụng ứng dụng C-ThaiNguyen. Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 7.000 tài khoản cài đặt. Trong đó 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND thành phố cài đặt và tương tác với ứng dụng C-ThaiNguyen.
Ông Mai Xuân Tùng, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND T.P Thái Nguyên thông tin: Phản ánh hiện trường của công dân trên ứng dụng C-ThaiNguyen thuộc địa bàn thành phố, phòng, ban chức năng đều nhanh chóng tiếp nhận để giải quyết. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số phản ánh của người dân được chúng tôi tiếp nhận từ Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh là 132 phản ánh. Đến nay, UBND thành phố đã giải quyết xong 125 phản ánh, 7 phản ánh đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, giải quyết; có 80% hài lòng cách làm trên.
Để đảm bảo an ninh trật tự, công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, hiện nay 32/32 phường, xã của thành phố đã triển khai lắp đặt, kết nối hệ thống camera giám sát (với tổng số 304 camera) theo mô hình camera giám sát, kết nối trực tiếp tại các vị trí với trụ sở UBND các phường, xã để phục vụ công tác quản lý và chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương; lắp đặt hệ thống camera giám sát tại một số khu nhà trọ trên địa bàn các phường, xã; địa điểm hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, khu cách ly...
Đặc biệt, hiện nay Khu Di tích lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái và một số địa điểm trung tâm thành phố đã có điểm quét mã QR để tuyên truyền, quảng bá những địa điểm du lịch, ẩm thực… Điều này rất thuận lợi cho du khách trong quá trình tham quan, trải nghiệm.
Ông Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên cho hay, chương trình chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp thành phố xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Thành phố bám sát Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số để xây dựng kế hoạch cụ thể. Theo đó, đến năm 2025 thành phố phấn đấu có trên 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trên 300 doanh nghiệp số và trên 50% tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và trở thành thành phố thông minh, thuộc nhóm đơn vị dẫn đầu về chuyển đổi số của tỉnh vào năm 2025. Đến năm 2030, thành phố phấn đấu có trên 1.500 doanh nghiệp số, hơn 80% tỷ lệ dân số trên địa bàn có tài khoản thanh toán điện tử…