Cập nhật: Chủ nhật 02/01/2022 - 19:36
Minh hoạ: Thanh Hạnh
Minh hoạ: Thanh Hạnh

Kết thúc buổi vệ sinh đường làng ngõ xóm, ông Trà vô cùng phấn chấn. Từ ngày xã đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt làng quê ông đã có nhiều thay đổi. Không chỉ người đi xa trở về mà ngay cả người trong làng nhiều khi cũng ngỡ ngàng. Cầm chiếc điếu cày, ông vê một nhúm thuốc nhét vào nõ điếu châm lửa, rít một hơi dài và ngửa cổ nhả khói. Bất chợt nghĩ đến con cháu Tết này do dịch bệnh không thể về sum họp, ông không khỏi trống vắng. Bà vợ ông đẩy chiếc xe kút kít của nhà mang dùng chở cỏ rác vào sân, thấy chồng ngồi đăm chiêu, vui vẻ đùa:

- Các ông lại kéo nhau đi làm cốc rượu hả? Mới xúc vài xẻng đất, ông Hạ đã nhấp nháy có chai rượu con rể biếu, chén bày sẵn rồi.

- Rượu quý, bà bảo tôi làm cốc thì người khác còn gì.

- Biết ngay mà. Nhoắng cái đã thấy các ông lỉnh hết.

- Bọn tôi nhận dẫy cỏ, vét rãnh, có chén rượu nó mới giãn xương cốt. Các bà chăm hoa, làm cả ngày cũng không hết việc.

Bà Trà ngồi ghé bên thềm, tiện tay cầm chiếc nón phe phẩy quạt:

- Nói vậy chứ ai lại để các ông làm cái việc tẩn mẩn của chị em. À mà tôi và mấy bà nhà mình dạm đụng lợn định bụng hoãn giết mổ. Tết này cũng nên giản tiện. Dịch bệnh liên miên, nhiều người cực khổ, mình bày vẽ quá khí không phải. Còn liên hoan mai đây thiếu gì lúc…!

Ông Trà nhẩn nha châm tiếp điếu thuốc lào. Chả là vài năm gần đây, làng ông bỗng dưng có lệ ăn đụng lợn. Mọi người cho rằng Tết nhất cái ăn cũng phải biết rõ nguồn gốc. Cỗ lòng mấy nhà ăn đụng quần tụ làm bữa cơm tất niên cho ấm cúng.

- Các bà đã bàn sao còn định bụng? Bà quyết tôi bao giờ chả gật. Ở làng mình, cánh đàn ông bảo nhau: “Nhất vợ nhì giời”!

- Tôi biết tỏng các ông chỉ khéo nịnh, muốn đàm đúm chè chén không bị cằn nhằn.

- Mình nịnh vợ mình chứ vợ ai mà lo. Mà thôi, bà chuẩn bị cơm nước, tôi tạt sang nhà ông Hưng một lát rồi về ngay.

Ông Hưng là Chi hội trưởng Chi hội Cựu Chiến binh của làng. Ông Trà chưa kịp khoác áo, tiếng ông Hưng đã oang oang ngoài ngõ:

- Gớm! Vợ chồng son có khác, vừa đi về đã đóng cổng.

Bà Trà chạy ra mở cổng, niềm nở:

- Mời bác vào nhà. Bọn em sắp xuống lỗ còn son nỗi gì. Ông nhà em vừa nhắc, đang định sang bên bác.

Ông Trà và ông Hưng cùng trang lứa, vào bộ đội lại làm lính cùng đơn vị nên hai ông chả khách khí giữ lời ăn tiếng nói.

Nhấp chén trà, ông Hưng ý tứ:

- Tôi sang bàn với ông: Cựu chiến binh làng ta hai “lão” gia cảnh éo le. Tôi định trích quỹ tình nghĩa giúp hai nhà một chút.

Chẳng cần nói tên, ông Trà cũng biết đó là gia đình ông Đăng và ông Thịnh. Ông Đăng cả hai đứa con đều là nạn nhân chất độc màu da cam, vợ đau yếu luôn. Ông Thịnh muộn đường con cái, ông lại bị tai biến, một mình vợ tảo tần. Người con đi làm chưa lâu mắc bệnh tim phải mổ.

- Hoàn cảnh ông Đăng và ông Thịnh cả làng biết. Việc ấy có gì đâu ông phải bàn.

- Quỹ Chi hội do anh em đóng góp, chi tiêu một đồng cũng phải minh bạch. Dịch bệnh hạn chế hội họp đông nên tôi tới xin ý kiến từng người.

Ông Trà tuy nhất trí với đề xuất của ông Hưng, nhưng vẫn áy náy vì món quà chỉ mang ý nghĩa tinh thần, chả thấm tháp là bao. Hàng năm các cựu chiến binh đều quyên góp giúp đỡ, giờ vận động thêm cũng ngại, bởi ai cũng đều lớn tuổi, phần lớn lại đang sống cùng con cháu. Đã đành Nhà nước có chính sách, chính quyền địa phương quan tâm, nhưng cũng chỉ mức độ nhất định. Không cần suy nghĩ, ông mở tủ lấy ra chiếc phong bì nhỏ:

        - Tôi có chút tiền tiết kiệm, tính dành Tết mừng tuổi các cháu. Năm nay các cháu ở trong Nam không về, tôi gửi giúp hai cựu chiến binh. - Ông Hưng đang định nói gì đó, ông Trà gạt đi: - Ông cứ đại diện Chi hội tới thăm. Tôi vẫn còn lương hưu trong thẻ. Trai làng ra trận, trở về còn vài mống. Giúp nhau được gì ta nên giúp. …

Ông Hưng vừa ra về, chiếc điện thoại của ông Trà đổ chuông, màn hình hiện tên cô con gái cả đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh:

- Vợ chồng con không về ăn Tết với bố mẹ, chúng con đã mua quà gửi chúc Tết, bố mẹ nhớ để chuông điện thoại nhé!

 Ông Trà và vợ bần thần. Vợ chồng ông có hai cô con gái. Cô em lấy chồng trên thành phố, nhất cử lưỡng tiện chả nói làm gì. Cô chị lấy chồng tận miền Nam. Tết là dịp đoàn viên, không về được chắc chúng cũng nhớ quê nhiều lắm.

Lưng lửng chiều, một cậu thanh niên đèo thùng hàng tới gọi cổng:

- Cháu là nhân viên của trung tâm thương mại, xin giao bác thùng hàng, mời bác kiểm tra và nhận giúp cháu!

Ông Trà ngạc nhiên:

- Tôi có đặt hàng gì đâu.

- Dạ! Người gửi hàng đây ạ!

Nhìn tên cô con gái cả, ông lại càng ngạc nhiên hơn:

- Nó vừa gọi, tôi tưởng phải dăm hôm?

- Dạ thưa bác, tập đoàn có chi nhánh trên toàn quốc. Khách hàng lên đơn, hệ thống sẽ phục vụ. Quà Tết nên chúng cháu ưu tiên. Từ thành phố về đây cũng chỉ hơn chục cây.

                                                 *  *  *

Ngày cận Tết, vừa sáng dậy tiếng lợn bên nhà hàng xóm đã kêu eng éc. Ông Trà ngạc nhiên: Rõ ràng vợ ông đã nói hoãn ăn đụng. Không thấy vợ đâu, ông đành làm tách trà nóng và điếu thuốc lào. Hơi thuốc làm người ông bồng bềnh như đi trên mây...

Cầm cành đào người bạn cho về nhà, đi dọc làng ông Trà háo hức hệt như ngày còn nhỏ. Thưa vắng những người đi làm ăn xa về quê đón Tết. Cửa hiệu trong làng cũng không nhiều người mua sắm hàng hóa. Bù lại đó là sự tươi mới trong những căn nhà của làng quê, của đường hoa xuân khoe sắc.

Bên chái nhà, vợ chồng cô con gái thứ từ thành phố về từ khi nào đang ngồi gói bánh chưng. Người con rể đón cành đào, lễ phép:

- Mẹ con vừa đi với các bà trong xóm.

- Lại mang theo cặp gà nữa bố ạ! - Cô con gái nhìn ông vui vẻ.

Buổi trưa, vợ ông Trà mang về đĩa lòng lợn nóng hổi. Không để ông hỏi, bà vợ mau mắn:

- Con lợn nhà mình không ăn đụng, nhà Bân mổ chia cho các hộ neo đơn.    

- Các bà mang thịt lợn đi làm quà?

- Chứ sao! Chút thơm thảo của bà con lối xóm. Ngày thường rau dưa thế nào cũng xong, năm mới mọi nhà đều phải có Tết. Tôi cũng đem cặp gà nhà mình biếu ông Đăng, ông Thịnh.

Thì ra nghe lỏm chuyện giữa hai người, vợ ông đã bàn với chi hội phụ nữ chung tay.

                            *  *  *

Mâm cơm cuối năm dọn ra, đứa cháu bật ti vi và bấm điện thoại. Từ thành phố Hồ Chí Minh, gia đình cô con gái cả cũng đã quây quần bên mâm cơm. Niềm vui chợt vỡ òa.

- Con chào bố mẹ và cả nhà. - Anh con rể cả trịnh trọng: - Tết này dù không thể về sum họp, chúng con vẫn thấy gần gũi, ấm áp…

- Anh chị và các cháu ăn Tết vui vẻ nhé! - Cô em cười tươi. Lúc này ông Trà mới biết hai chị em đã hẹn nhau trong các bữa cơm gia đình đón Tết sẽ kết nối online.

Bên mấy ngôi nhà hàng xóm, tiếng nhạc mừng năm mới trong trẻo ngân vang. Mùa Xuân đầy ắp tình yêu thương đã đến.

Truyện ngắn của Phan Thái