Theo đó, nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân khi tham gia giao thông bằng đường hàng không thích ứng linh hoạt, Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh điều kiện hành khách tham gia chuyến bay nội địa theo hướng chỉ yêu cầu điều kiện xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với hành khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay hoặc xuất phát từ cảng hàng không tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
Cụ thể, hành khách xuất phát từ nơi lưu trú, cư trú, từ sân bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc vùng phong tỏa cần có kết quả xét nghiệm âm tính theo phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên có giá trị trong vòng 72 giờ. Đồng thời, hành khách phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, sử dụng ứng dụng PC-COVID, chịu trách nhiệm tính trung thực của các thông tin khai báo và không được tham gia chuyến bay khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng, mất vị giác….
Như vậy, điều kiện đi máy bay đã được nới lỏng hơn so với trước. Hành khách từ các địa bàn khác (không phải dịch cấp 4, vùng phong tỏa) sẽ không phải trình giấy đã tiêm đủ liều vắc-xin hay giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19; trẻ em từ địa bàn này sẽ không phải xét nghiệm trước chuyến bay.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng quyết định hủy quy định phải xét nghiệm COVID-19 định kỳ 7 ngày một lần đối với thành viên tổ bay (là phi công, tiếp viên và các nhân viên hàng không khác theo yêu cầu thực hiện chuyến bay).
Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình khai thác vận chuyển hàng không nội địa, chủ động quyết định tần suất khai thác các đường bay nội địa đảm bảo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.
Đồng thời, Cục Hàng không có trách nhiệm tăng cường theo dõi, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị đảm bảo các chuyến bay được khai thác an toàn, điều phối các chuyến bay hợp lý, không xảy ra tình trạng ùn ứ tại các cảng hàng không, đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Cục Y tế Giao thông Vận tải chủ trì rà soát, làm việc với các cơ quan, đơn vị của Bộ Y tế về điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện hành khách tham gia giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và phù hợp với thực tiễn.