Những tiếng nói mới trong văn học
Với quyết tâm ngay từ khi bước vào nhiệm kỳ thứ X, vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức một mùa giải tác giả trẻ lần thứ nhất - năm 2021 khá thành công. Ngoài việc trao giải cho những cây bút xuất sắc, giải thưởng cũng cho thấy phần nào tiếng nói mới trong văn học hiện nay. Điển hình như ở lĩnh vực thơ, tác giả Lý Hữu Lương với tác phẩm “Yao” đã đưa vẻ đẹp văn hóa dân tộc Dao của mình lan tỏa bằng ngôn ngữ, góc nhìn của thời đại hôm nay.
Trong khi đó, tác giả Phương Đặng với tập thơ “Con người” lại “ghi điểm” ở lối viết mới lạ, mở ra những suy tưởng về giá trị, thân phận con người trong cuộc sống hiện nay.
Ở lĩnh vực văn xuôi, nhà văn Đinh Phương với tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang”, cho thấy nghệ thuật viết công phu, độc đáo, cái nhìn đầy thiện chí, khoa học về các vấn đề liên quan đến lịch sử, thuyết phục độc giả.
Đáng chú ý, mảng văn học dịch lâu nay thường trao giải thưởng cho người dịch tác phẩm văn học nước ngoài sang tiếng Việt. Song Nguyễn Bình - dịch giả 20 tuổi được trao giải tác giả trẻ lần này, đã làm ngược lại, mạnh dạn chuyển ngữ hoàn chỉnh tác phẩm “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du sang tiếng Anh. Bản dịch của anh được nhiều nhà thơ, dịch giả tên tuổi am hiểu văn học, văn hóa Việt trong và ngoài nước đánh giá cao.
Các tác giả trẻ khác cũng đang có những hướng đi đầy tìm tòi. Nhà thơ Lữ Mai dấn thân vào đề tài người lính với trường ca “Ngang qua bình minh” về những chiến sĩ bảo vệ biển, đảo Tổ quốc và trường ca “Chư Tan Kra mây trắng” về hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của các cựu chiến binh đầy chất nhân văn.
Cây bút 9X Thảo Trang đang thu hút chú ý với tiểu thuyết kinh dị “Tết ở làng Địa Ngục” vừa phát hành đầu năm 2022, sử dụng nhiều chất liệu văn hóa dân gian Việt Nam. Tác giả Phã Nguyện (24 tuổi) với truyện dài “Kẻ săn chuột”, tác giả Đinh Thành Trung với tập truyện ngắn “Bí mật của bóng tối”... tạo dấu ấn tại Giải thưởng văn học tuổi 20 lần thứ VII, năm 2021.
Bên cạnh đó, các nhà văn trẻ được độc giả yêu thích, như: Hamlet Trương, Gào, Anh Khang, Minh Nhật, Sơn Paris… vẫn tiếp tục có những cuốn sách về đời sống và giới trẻ nằm trong tốp đầu bán chạy. Còn các cây bút trẻ, như: Huỳnh Trọng Khang, Tống Phước Bảo, Phát Dương… thường xuyên có truyện ngắn đăng báo, tạp chí.
Em Đỗ Mai Hương, sinh viên Trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Tôi thích đọc những tác phẩm văn học mới của tác giả trẻ vì nói được tâm tư, tình cảm, băn khoăn của mình với ngôn ngữ gần gũi, dễ đọc, hợp thời”.
Nhà thơ Lữ Mai với các chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa trong chuyến công tác tháng 5-2019.
Để văn học trẻ “cất cánh”
Phát triển đội ngũ viết văn trẻ có vai trò quan trọng, quyết định tương lai của văn học nước nhà. Theo nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh, Phó Trưởng Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Hà Nội), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội, văn học trẻ hiện phát triển nhiều chiều, đa dạng hơn. Bên cạnh những sáng tác theo thể loại thông dụng, đã có nhiều hình thức mới, như: Văn học kỳ ảo, giả tưởng, trinh thám, truyện tranh... Họ cần được đón nhận cởi mở và hỗ trợ, động viên để phát huy khả năng sáng tạo, “trăm hoa đua sắc”…
Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, các tác giả trẻ hiện nay đang mang đến cho văn học Việt Nam những giọng điệu mới, thi pháp mới, trí tuệ và hiện đại. Điều quan trọng nhất là trong tác phẩm của mình, các tác giả trẻ đã đặt vấn đề về đất nước, con người một cách sống động; đồng thời biết quan tâm, trân trọng di sản văn hóa dân tộc, giúp chúng “sống” trong thời đại ngày nay…
Để cổ vũ, tạo điều kiện cho văn học trẻ “cất cánh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức giải thưởng tác giả trẻ đều đặn hằng năm; thường xuyên giới thiệu những cây bút trẻ và tác phẩm của họ trên website của Hội, Báo Văn nghệ, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống… Vào mùa thu năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị viết văn trẻ toàn quốc để các cây bút trẻ giao lưu, chia sẻ nghề nghiệp. Qua đó, giúp họ nhận thức vai trò, sứ mệnh của mình và truyền cảm hứng trên con đường văn chương với những trang viết có trách nhiệm với bạn đọc và xã hội.
Ở góc độ người viết trẻ, nhà thơ Nguyễn Thị Kim Nhung (Tạp chí Văn nghệ quân đội) cho hay, công việc sáng tác ở thế hệ nào cũng vậy, đều từ thôi thúc của nội tại. Tuy nhiên, những cây bút trẻ rất mong muốn được chia sẻ kinh nghiệm, truyền cảm hứng sáng tác, hỗ trợ để những tác phẩm chất lượng được lan tỏa hơn... Các tổ chức, hội nghề nghiệp nên thường xuyên có những cuộc tọa đàm, trao đổi về các tác phẩm đáng chú ý của người viết trẻ, dẫn dắt họ trên con đường sáng tạo. Như vậy, các cây bút trẻ sẽ gắn bó và tạo nên sinh khí mới, cuốn hút, thúc giục hơn cho văn học.
Tại lễ trao Giải thưởng văn học năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam vào ngày 14-2 vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, thời gian tới, Hội Nhà văn Việt Nam cần chú trọng đến công tác phát triển năng khiếu, bồi dưỡng tài năng trẻ để xây dựng đội ngũ nhân lực vững chắc cho nền văn học nước nhà trong tương lai.