Đám cưới của Quân và Hạnh tuy tổ chức trong phạm vi hẹp nhưng trang trọng, ấm cúng. Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, họ hạn chế mời bạn bè tham dự. Đại diện bệnh viện tới chúc mừng ngày vui của đôi bạn trẻ, tôi chúc phúc ngắn gọn và nói thêm “Một khi đã chọn nghề cứu người, hạnh phúc của chúng ta còn ở nụ cười của bệnh nhân”.
Trong bộ váy cưới lộng lẫy, tinh khôi, Hạnh nhẹ nhàng:
-Thời gian giữa tâm dịch, nhiều lần em không thể cầm lòng chứng kiến những khoảnh khắc đau đớn… !
Quân siết tay tôi, xúc động:
- Mỗi nụ cười một sự sống trở lại. Bọn em sẽ cố gắng hết sức.
Vợ chồng Quân và Hạnh đều là bác sĩ chuyên khoa. Từ ngày hai người vào làm việc tại bệnh viện, trình độ và tinh thần trách nhiệm của họ đã được thể hiện. Thái độ tận tụy vì người bệnh được đồng nghiệp ghi nhận. Điều tôi lo ngại nhiệt huyết của lớp thầy thuốc trẻ suy giảm khi đối mặt với khó khăn và áp lực công việc đã được giải tỏa.
Tôi không rõ tình yêu của họ bắt đầu từ khi nào. Trong đợt chi viện cán bộ y tế cho tỉnh Bắc Giang, cả Quân và Hạnh đều tình nguyện lên đường. Trở lại Thái Nguyên khi hoàn thành nhiệm vụ, cặp tình nhân quấn quýt như hình với bóng.
Lẽ ra đám cưới của họ đã được tổ chức. Tuy nhiên ngay sau đó, dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Biết tỉnh có chủ trương cử đoàn y bác sĩ vào tăng cường, cả hai lại viết đơn tình nguyện lên đường.
Gặp tôi Quân năn nỉ:
- Em và Hạnh rất muốn tham gia đoàn công tác, anh cho chúng em được cùng đi.
- Tôi chỉ đề xuất danh sách các bác sĩ trong khoa, quyền quyết định là của ban giám đốc. Mặt khác hai người đã chuẩn bị cưới, tôi nghĩ ở lại là phù hợp.
- Bọn em đã bàn bạc kỹ. Sinh mệnh con người là trên hết, trách nhiệm tham gia dập dịch không của riêng ai. Đám cưới có thể lùi lại cũng không sao.
- Dựng vợ gả chồng cho con là việc lớn của bậc làm cha mẹ. Các cụ có thể sẽ không hài lòng. Bệnh viện còn nhiều người…
- Hai đứa em đã có kinh nghiệm hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19, bọn em cũng đã xin phép bố mẹ đôi bên cho cùng lên đường và được đồng ý.
Cân nhắc mọi lẽ và nhận thấy Quân và Hạnh tham gia đoàn thật sự cần thiết, ban giám đốc bệnh viện chọn cử cả hai người. Tôi cũng tham gia đoàn làm việc tại bệnh viện dã chiến và là trưởng kíp điều trị có đôi tình nhân này.
Ngày lên đường, bố Quân đến tiễn mọi người từ rất sớm. Lúc này tôi mới biết ông từng là chiến sĩ quân đội chiến đấu tại chiến trường miền Nam và cùng binh đoàn tiến công giải phóng Sài Gòn. Trong bộ quân phục đã bạc màu, ông chào tạm biệt từng người và bày tỏ sự lạc quan: “Ngày xưa chúng tôi chiến đấu, ngoài mục tiêu lý tưởng giành độc lập dân tộc, còn là giành quyền được sống. Quyền sống ấy không chỉ cho mình mà cho mọi người. Tôi tin lần xuất quân này, chúng ta sẽ chiến thắng”.
Chống dịch như chống giặc, chúng tôi cũng như những người lính thực thụ trong cuộc chiến thầm lặng đầy khốc liệt. Tôi không nhớ mình và đồng nghiệp đã điều trị cho bao nhiêu bệnh nhân. Thời gian làm việc bất kể giờ giấc. Toàn bộ các y bác sĩ đều ăn nghỉ tại bệnh viện dã chiến và sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Một buổi Hạnh lảo đảo bước ra khỏi phòng cấp cứu và ngất lịm. Cô đã vắt kiệt sức cho việc điều trị bệnh nhân từ nhiều ngày nay. Tôi nói với Quân: “Cậu đưa Hạnh về trụ sở đoàn công tác nghỉ ngơi”. Hạnh dần hổi tỉnh, cô biết chuyện, khẽ nhấp ngụm nước nhỏ, gạt đi: “Em không về đâu, nhiệm vụ của em là ở đây”. Chỉ vài giờ sau, Hạnh đã lại có mặt tại khu vực hồi sức cấp cứu bệnh nhân.
Một buổi bố Quân gọi điện cho tôi. Biết các y bác sĩ đang tập trung cứu chữa bệnh nhân, ông nhẹ nhàng động viên và thông báo ngày mai nhà trai chọn giờ đẹp biện lễ sang nhà gái xin Hạnh về làm dâu. Ông phân trần: “Tôi và bố con Hạnh cho rằng cưới sau cũng được, nhưng lễ ăn hỏi nên làm theo phép tắc của tổ tông”.
Đúng giờ hẹn, tôi mời một số đồng nghiệp vào phòng trực cùng đôi uyên ương. Quân bật điện thoại, tiếng cô em gái vang lên: “Anh chị của em đang tham gia chống dịch, em xin phát sóng theo hình thức online”.
Lời thưa chuyện, mời trầu diễn ra nghiêm trang. Ông đại diện nhà trai trịnh trọng: “Hôm nay nhân ngày lành tháng tốt, gia đình nhà trai đã chuẩn bị tráp lễ xin phép được ra mắt gia đình họ nhà gái. Trân trọng mời ông bà thân sinh cháu Hạnh đón lễ, mở tráp để mọi người tỏ tường...”.
Những miếng trầu têm cánh phượng được quay cận cảnh. Ông đại diện nhà gái đứng lên đáp lời: “Tôi xin thay mặt cho họ nhà gái chấp thuận cho hai cháu tiến tới hôn nhân. Kể từ giờ phút này hai cháu Quân và Hạnh đã là dâu, là rể trong nhà. Thay mặt gia đình nhà gái, tôi xin mời nhà trai uống chén nước, ăn miếng trầu mừng hạnh phúc cho hai cháu…”.
- “Thế là ván đã đóng thuyền /Mặc con cô vít tình duyên vẫn nồng”. - Người ngồi bên cạnh Hạnh nháy mắt đùa: - Tiếc là đoàn công tác không có phòng riêng cho cô dâu, chú rể.
Hạnh cười, đôi mắt đỏ hoe:
- Anh này, bọn em đã cưới đâu.
- Các cụ chả ý tứ “gõ kẻng” còn gì. Mày có chạy đằng trời.
Nhiều bệnh nhân nặng nhập viện, ban giám đốc cấp tốc điều các y, bác sĩ trong kíp của tôi tăng cường cho bộ phận hồi sức cấp cứu. Tôi vội phân công các thành viên và cho phép Quân và Hạnh ở lại nghỉ ngơi.
- Bọn em không nghỉ đâu, Quân nói và kéo tay Hạnh: - Mình đi thôi em...!
Trở về khi dịch bệnh ở phía Nam cơ bản được kiểm soát, tôi mới có thể nâng ly rượu mừng cho hạnh phúc của hai người.
* * *
Chưa nghỉ trọn kỳ phép để hưởng tuần trăng mật, Quân và Hạnh đã tới bệnh viện làm việc. Dịch bệnh lan rộng, đội ngũ y bác sĩ có hạn, bệnh viện vừa phải bố trí lực lượng khám chữa bệnh thường xuyên, vừa tổ chức lực lượng điều trị F0, lại tham gia tiêm vắc-xin theo kế hoạch. Quân và Hạnh hiểu những vất vả đồng nghiệp đang làm nên đã gác lại tình riêng.
Nhành lộc non bên thềm neo đậu muôn giọt sương mai lấp lánh. Tôi bất giác thấy họ như giọt sương trong trẻo ấy trong ánh bình minh của những ngày nắng đẹp.