Cập nhật: Thứ tư 16/03/2022 - 08:27
Toàn tỉnh hiện có 34 TCTD (không tính Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên), tăng 14 TCTD so với năm 2014.
Toàn tỉnh hiện có 34 TCTD (không tính Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn - Thái Nguyên), tăng 14 TCTD so với năm 2014.

Nếu như trước đây, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thường cao hơn khoảng 3-10% so với tổng nguồn vốn huy động, thì từ năm 2019 có sự đảo chiều và hiện con số chênh lệch khoảng 12 nghìn tỷ đồng. Tại sao lại có sự thay đổi như vậy và nên nhìn nhận vấn đề này ra sao?

Được biết, trong những năm 2013-2017, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đều thấp hơn tổng dư nợ cho vay từ 1-2 nghìn tỷ đồng, nhiều nhất là gần 4 nghìn tỷ đồng vào giữa năm 2018. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, nguồn vốn huy động đã bắt đầu nhiều hơn dư nợ cho vay.

Cụ thể, tính đến tháng 4/2018, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh đạt gần 48,8 nghìn tỷ đồng, còn dư nợ đạt trên 52,4 nghìn tỷ đồng, thì chỉ 1 năm sau, đến đầu tháng 4/2019, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đã đạt hơn 57 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay giảm còn 51 nghìn tỷ đồng.

Kể từ đó đến nay, cả huy động vốn và dự nợ cho vay đều có xu thế gia tăng qua các năm, nhưng với việc nguồn vốn huy động có tốc độ gia tăng nhanh hơn nên khoảng cách giữa huy động vốn và dự nợ cho vay đang có sự chênh lệch ngày càng đáng kể. Tính đến cuối tháng 2/2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 88,6 nghìn tỷ đồng, còn dư nợ cho vay đạt 76,8 nghìn tỷ đồng.

Phân tích về sự thay đổi trong cán cân huy động và dư nợ hiện nay, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh cho rằng: Việc nguồn vốn huy động tại các TCTD nói chung, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng cao hơn dư nợ cho vay xét về tổng thể toàn hệ thống hay tại mỗi chi nhánh đều là điều bình thường. Vì theo quy định, số tiền sau khi được huy động, các ngân hàng đều phải trích một phần để thực hiện dự trữ bắt buộc… Đối với Thái Nguyên, nguồn tiền huy động những năm gần đây tăng cao xét về một khía cạnh nào đó cho thấy, ngân hàng hiện vẫn là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả, được nhiều tổ chức, cá nhân lựa chọn. Nhờ có nguồn tiền này mà các ngân hàng có điều kiện để cho vay đối với nền kinh tế. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy đời sống của người dân ngày càng phát triển nên mới có nguồn tiền dư thừa gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì việc tiền gửi ngân hàng tăng nhanh, trong khi dư nợ cho vay của nhiều ngân hàng vẫn gặp khó khăn đang cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, đặc biệt là các doanh nghiệp - đối tượng khách hàng chiếm phần lớn dư nợ cho vay của ngân hàng. Đáng nói nữa là trong bối cảnh chưa khi nào cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay lại xuống thấp ở mức kỷ lục như 2 năm vừa qua, đặc biệt là năm 2021, càng cho thấy nhiều người dân đang không biết đầu tư, sử dụng vốn thế nào cho hiệu quả.

Tính đến cuối tháng 2/2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 88,66 nghìn tỷ đồng, tăng 4,45%; dư nợ cho vay đạt 73,1 nghìn tỷ, tăng 2,28%, so với cuối năm 2021. Ảnh T.L

Còn theo đại diện lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn: Nhìn vào tổng nguồn vốn huy động và tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng sẽ phần nào thấy được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó.

Thường những tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thì huy động vốn sẽ cao hơn so với dư nợ cho vay và ngược lại. Trên thực tế, kết quả huy động vốn của một tỉnh không phản ánh chính xác “bức tranh” toàn cảnh của nền kinh tế nói chung, địa phương đó nói riêng. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu kỳ hạn tiền gửi thì lại phần nào thấy được thực trạng của nền kinh tế vào thời điểm đó.

Cụ thể: Nếu tiền gửi không kỳ hạn lớn, chiếm tỷ trọng cao thì đó là điều đáng mừng, vì số tiền này chỉ mang tính chất nhàn dỗi trong thời gian ngắn, nó sẽ sớm được tổ chức, cá nhân đem ra đầu tư, kinh doanh. Còn nếu tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn lớn, nhất là ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, thì điều này đồng nghĩa người dân đang chưa biết hoặc chưa dám đầu tư vào mục đích gì, ít nhất cũng là trong thời gian trước mắt.

Ngoài ra, đại diện một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho rằng: Mặc dù về tổng thể, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn tăng cao nhưng nếu xét cụ thể từng chi nhánh, thì không phải ngân hàng nào cũng có được kết quả này; nhất là khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, do lãi suất huy động của các ngân hàng này luôn thấp hơn các ngân hàng thương mại cổ phần đại chúng (trừ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT do có lợi thế bao phủ các địa bàn).

Tuy nhiên, từng ngân hàng sẽ biết tự cân đối trong toàn hệ thống, chỗ thừa sẽ được điều tiết sang chỗ thiếu để đảm bảo nguồn vốn huy động và nguồn vốn cho vay có tỷ lệ hợp lý, đảm bảo các quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy có thể thấy, việc các ngân hàng trên địa bàn đang có tổng nguồn vốn huy động cao hơn hẳn so với dư nợ cho vay vừa là điều đáng mừng, cũng vừa là điều đáng lo, cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị ảnh hưởng không nhỏ của dịch COVID-19.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng đó là việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị quyết 128 đã và đang giúp cho hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD trên địa bàn trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện qua 2 chỉ tiêu tăng trưởng chính là huy động và dư nợ cho vay đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Hy vọng rằng, tới đây, việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như của hệ thống ngân hàng đạt hiệu quả cao hơn.

Hạ Liên