Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Yên Hoà, xã Bình Yên, anh Nguyễn Duy Dân có sự gắn bó mật thiết với quê hương và đời sống nhân dân nơi đây. Với sự nhanh nhẹn, nhạy bén trong công việc, anh được nhân dân, chính quyền xã tin tưởng giao làm việc ở nhiều vị trí khác nhau như: Công an viên, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã, Thôn đội trưởng... Ở vị trí nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn tiên phong gương mẫu trong mọi công việc. Không những thế, anh Dân còn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở xã Bình Yên.
Theo đó, năm 2008, anh là người đầu tiên trong xã mở xưởng mộc và kinh doanh nội thất. Nhờ coi trọng chất lượng và chữ tín, cơ sở của anh nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Dân chia sẻ: Mặc dù cơ sở làm nghề mộc tạo ra thu nhập ổn định nhưng tôi vẫn luôn đau đáu khi nghĩ về cây chè. Bởi tại vùng đất Yên Hòa, nghề làm chè đã gắn bó với các thế hệ từ những năm 1960, nhưng đến nay, thu nhập từ cây chè của nhiều hộ dân địa phương còn tương đối bấp bênh, chưa đảm bảo cuộc sống. Là người con của đất Yên Hòa, tôi thấu hiểu niềm khát khao của bà con trong xóm về việc nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm chè, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.
Bởi vậy, sau khi dành nhiều thời gian tìm hiểu các mô hình thực tế ở khắp nơi, năm 2020, anh Dân tìm đến những người cùng chí hướng trong xã để thành lập HTX nông nghiệp Yên Hòa, huy động nguồn lực, đồng thời cùng tìm ra cách làm mới, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất chè ở địa phương.
Đầu tiên, anh Dân bắt đầu hướng dẫn bà con thay đổi tư duy sản xuất chè theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào tất cả các khâu. Đổi lại, HTX thu mua chè của bà con với giá cao gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với trước đây. Ngay lập tức, hiệu ứng được lan tỏa, 49 hộ dân trong xóm Yên Hòa đã đăng ký tham gia trồng chè theo quy trình VietGAP.
Việc nâng cao chất lượng sản xuất chè cũng giúp sản phẩm của HTX đạt chất lượng tốt và có doanh thu gần 1 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên hoạt động. Hiện nay, HTX đang bao tiêu chè búp tươi cho trên 50 hộ dân với diện tích khoảng 30ha. Không những thế, thông qua HTX, người trồng chè ở Yên Hòa còn được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ tập huấn khoa học - kỹ thuật, bắt đầu xây dựng vùng chè VietGAP với 13 hộ dân đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Hiện nay, sản phẩm chè của HTX nông nghiệp Yên Hòa đã được tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và bắt đầu tiếp cận các thị trường rộng hơn, như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… Với giá bán từ 150-500 nghìn đồng/kg cùng chất lượng chè thơm ngon, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè của HTX ngày càng được đông đảo người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.
Nhìn lại quãng đườngđã đi qua, anh Dân giãi bày: Yên Hòa là vùng đất phù hợp với cây chè, chất lượng sản phẩm không thua kém nhiều so với các vùng chè nổi tiếng khác trong tỉnh. Tuy vậy, trước đây, chè Yên Hòa được sản xuất theo kinh nghiệm là chính, chưa có quy trình sản xuất khoa học nên thương lái chỉ thu mua với giá 13-20 nghìn đồng/kg chè búp tươi. Trong gần 2 năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật, giá trị chè búp tươi của địa phương tăng lên 40-60 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, nhiều hộ làm chè trong xóm có điều kiện ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nhận xét về anh Dân, ông Ngô Văn Điển, Chủ tịch UBND xã Bình Yên đánh giá: Anh Dân là người nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm không chỉ trong công việc chung của xã, mà còn trong phát triển kinh tế. Anh đã giúp bà con trong xóm, xã có thêm việc làm, tạo thêm thu nhập, nâng cao giá trị cây chè của địa phương. Việc HTX nông nghiệp Yên Hoà đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả còn góp phần cùng địa phương đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Không những vậy, thông qua hoạt động của HTX, sản phẩm chè Yên Hòa nói riêng và của xã Bình Yên ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ở địa phương.