Anh Dương Nghĩa Tiến, ở xóm Tân Sơn 8, xã Xuân Phương, chia sẻ: Trước đây, đời sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, số tiền kiếm được không đủ trang trải cuộc sống. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tôi được vay 100 triệu đồng từ NHCSXH huyện. Từ nguồn vốn này cộng thêm số tiền vay mượn của người thân, tôi đầu tư mua thêm một số thiết bị máy móc và mở rộng quy mô xưởng sản xuất gỗ. Với các sản phẩm bán ra thị trường, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm và vươn lên thoát nghèo.
Còn anh Dương Văn Mạnh, xóm Thanh Đàm, xã Nhã Lộng, cho hay: Gia đình tôi có hơn 10.000m2 đất sản xuất nông nghiệp. Trước đây, trên một phần diện tích này, tôi chỉ trồng rau, củ theo phương thức truyền thống, thu nhập không đáng là bao. Đầu năm 2021, được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng rau, hoa; làm giàn trồng một số loại quả; cải tạo lại khu vườn… Đến nay, với việc trồng các loại rau, hoa… theo mùa, gia đình tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ gia đình anh Tiến, anh Mạnh. thời gian qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Phú Bình đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. Bà Nguyễn Thị Hường, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Bình, cho biết: Bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hằng năm, chúng tôi triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng để cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, người không có việc làm, thu nhập ổn định… vay vốn. Từ đó, đáp ứng được một phần nguồn lực tài chính phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, học tập của các hộ dân. Thông qua 372 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), năm 2021, đơn vị đã làm thủ tục cho 3.882 hộ vay vốn, với tổng số tiền gần 130 tỷ đồng.
Để nguồn vốn vay được đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, Phòng Giao dịch đề nghị các tổ TK&VV căn cứ vào hướng dẫn của NHCSXH để tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân vay vốn và sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Dẫy, xã Đào Xá, thông tin: Trước khi cho hội viên vay, chúng tôi tiến hành họp, bình xét và lập danh sách đề nghị vay vốn. Sau đó, Tổ tiến hành rà soát từng đối tượng có nhu cầu vay, báo cáo với cán bộ ngân hàng để thẩm tra. Trong thời gian hội viên vay vốn, chúng tôi thường xuyên kiểm tra số tiền vay có được sử dụng đúng mục đích hay không, phát huy hiệu quả ra sao, hướng dẫn hộ vay thực hành tiết kiệm để trả gốc và lãi đúng thời hạn…
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2021, tổng nguồn vốn do NHCSXH huyện Phú Bình quản lý là gần 560 tỷ đồng (tăng 19,7 tỷ đồng so với năm 2020), trong đó, nguồn vốn Trung ương chuyển về là 501,2 tỷ đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 51,9 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình cho vay như: Giải quyết việc làm; hộ mới thoát nghèo… Bên cạnh đó, một số chương trình cho vay giảm dư nợ như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Bà Nguyễn Thị Hường cho biết thêm: Thời gian tới, thực hiện các chính sách về đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn, chúng tôi sẽ bám sát chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022 của từng chương trình để giải ngân cho vay kịp thời, đúng quy trình, đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời kiểm tra, đôn đốc các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả; thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV; có kế hoạch sắp xếp và tập huấn lại đối với Ban Quản lý tổ hoạt động chưa hiệu quả theo quy định; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hướng dẫn, giúp người nghèo có thói quen thực hành tiết kiệm, nhất là những hộ nghèo vay nhiều vốn, giảm thiểu khó khăn khi đến hạn trả nợ cuối cùng… Từ đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn theo kế hoạch đã đề ra.