Năm 2020, ngay sau khi thành lập, Hợp tác xã sản xuất trà An Thái (xã Tức Tranh) đã mạnh dạn mở rộng kênh bán hàng mới trên sàn TMĐT, song hành với kênh bán hàng trực tiếp và thông qua mạng xã hội. Chị Đồng Thị Thương, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: Xuất phát từ thói quen mua sắm hàng hóa trực tuyến, tôi đã nảy ra ý tưởng đưa đặc sản địa phương là chè búp lên sàn TMĐT Shopee để có thể tiếp cận được với nhiều đối tượng khách hàng. Hiện nay, Hợp tác xã đang đăng bán 16 sản phẩm chè các loại với mẫu mã đa dạng, bắt mắt. Qua quảng bá và giới thiệu, trang bán hàng của chúng tôi đã thu hút được trên 2.000 tài khoản theo dõi.
Sau một thời gian triển khai bán hàng trên sàn TMĐT, chúng tôi nhận thấy sản phẩm của Hợp tác xã đã có thể tiếp cận được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành, vùng miền khác nhau. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở gian bán hàng tại những sàn TMĐT có lượng người dùng lớn như: Lazada, Sen đỏ…
Bên cạnh hiệu quả kinh tế và lợi thế tiếp cận thị trường, sàn TMĐT cũng thể hiện tính ưu việt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong suốt hơn 2 năm qua. Chị Hoàng Thị Hồng Tú, Giám đốc Hợp tác xã nông sản an toàn Ôn Lương, nhận định: Vào năm 2021, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, tôi đã có cơ hội tìm hiểu thông tin về lợi ích và cách bán hàng trên sàn TMĐT Voso.vn và Postmart.vn. Sau một thời gian tiếp cận, tôi nhận thấy hình thức mua bán này rất tiện lợi, đem lại hiệu quả kinh tế, đặc biệt là kể từ khi các kênh bán hàng trực tiếp bị "đứt gãy" bởi diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, ưu điểm của sàn TMĐT càng trở nên vượt trội.
Thực tế cho thấy, việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT đang là giải pháp mới, hiệu quả để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn hiện nay. Bởi vậy, thời gian qua, huyện Phú Lương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng website giới thiệu sản phẩm và tập huấn đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT.
Ngoài ra, nhằm xây dựng thương hiệu, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với các nông sản địa phương trên sàn TMĐT, huyện cũng quan tâm hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp an toàn. Riêng năm 2021, huyện đã tổ chức được 89 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt thu hút trên 2.600 lượt người tham dự; hỗ trợ phát triển trên 15 mô hình trồng trọt, chăn nuôi; hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 110,5ha chè, 15ha cây ăn quả, 20ha lúa nếp Vải…
Bên cạnh đó, Phú Lương quan tâm phân bổ kinh phí hỗ trợ làm mã vạch, mã QR; tem nhãn, bao bì sản phẩm. Bằng các giải pháp trên, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn đã bắt đầu làm quen và tự tin đưa sản phẩm nông sản địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các sàn TMĐT.
Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng hiện nay, tỷ lệ cơ sở sản xuất có sản phẩm lên “sàn” của huyện Phú Lương còn rất khiêm tốn, do đây vẫn là kênh bán hàng mới, không phải ai cũng có thể tiếp cận được ngay. Theo chị Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, xã Vô Tranh: Khả năng tiếp nhận những kiến thức về công nghệ thông tin của tôi còn khá hạn chế. Vì vậy, thời gian tới, tôi rất mong muốn được tham gia thêm nhiều lớp tập huấn về sàn TMĐT để có thể tìm hiểu và học hỏi được nhiều hơn. Nội dung tập huấn có thể đi sâu vào hướng dẫn chi tiết cách sử dụng và quảng cáo bán hàng trên nhiều sàn TMĐT khác nhau.
Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương, thông tin: Sàn TMĐT đang được kỳ vọng là hướng đi giúp nâng cao giá trị sản xuất cho các mặt hàng nông sản của huyện Phú Lương trong thời gian tới. Chính vì vậy, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất những kỹ năng cần thiết để đưa hàng nông sản lên các sàn TMĐT; nâng cao ý thức của người nông dân trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất an toàn… Từ đó, từng bước thực hiện tốt chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.