Dự án đường Nam Sông Công kéo dài, đoạn từ ngầm Suối Mang đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, xã Tiên Hội, vừa được khởi công. Những ngày này, dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời tiết mưa kéo dài, song đơn vị thi công vẫn đang tích cực triển khai bóc đất hữu cơ, đổ đất san nền trên phần diện tích đã được bàn giao mặt bằng.
Đây là công trình giao thông cấp II, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đại Từ làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 103 tỷ đồng. Theo thiết kế, tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 1.400m, đoạn qua xã Tiên Hội có bề rộng nền đường 30,5m, mặt đường rộng 15m, vỉa hè dành cho người đi bộ rộng 12m. Tuyến đường sẽ được trồng nhiều cây xanh hai bên cùng hệ thống chiếu sáng, các công trình hạ tầng như: Cống thoát nước, đường điện… được đầu tư đồng bộ.
Đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Đảng uỷ xã Tiên Hội phấn khởi cho biết: Dự án được khởi công đã đáp ứng mong mỏi của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã bởi đây sẽ là tuyến đường có quy mô, hạ tầng đẹp nhất huyện. Tới đây, hoạt động giao thương, đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, góp phần giảm tải cho tuyến Quốc lộ 37. Khi tuyến đường hoàn thành, diện mạo nông thôn của xã sẽ có nhiều khởi sắc, góp phần đồng bộ hạ tầng đô thị để xã trở thành phường…
Cùng với Dự án đường Nam Sông Công kéo dài, các tuyến đường giao thông ở khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã và đang được xây dựng, cải tạo. Với mục tiêu tập trung quản lý, bảo trì và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện NTM trước năm 2025, đảm bảo giao thông thông suốt, huyện tiếp tục ban hành Đề án Phát triển và quản lý hệ thống đường giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là xây dựng, cải tạo 19 tuyến đường do huyện quản lý, phấn đấu đến năm 2022 có 100% số xã đạt tiêu chí về giao thông NTM. Đến nay, gần 95% các tuyến đường huyện đã đạt chuẩn tiêu chí của huyện NTM.
Với đặc thù địa bàn rộng, trải dài 30 xã, thị trấn, nhiều xã vùng sâu vùng xa, địa hình đồi núi xen kẽ, do vậy, chiều dài, khối lượng cần thi công đường giao thông của huyện rất lớn.
Để có được hệ thống giao thông như hiện nay, hằng năm, trên cơ sở chỉ đạo của huyện, cơ quan chuyên môn đã tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng các tuyến đường để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn để xây dựng các công trình có tính cấp thiết, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở các xã khó khăn và các tuyến huyết mạch.
Tính riêng năm 2021, huyện đã hoàn thành trên 111km đường xã, đạt 177,8% kế hoạch, với tổng kinh phí trên 144 tỷ đồng; hoàn thành gần 6km đường do huyện quản lý với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo các tuyến đường thi công theo đúng tiến độ, công tác giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng. Các xã, thị trấn đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tài sản để làm đường giao thông nông thôn và các tuyến đường do tỉnh quản lý như: ĐT.261, ĐT.263B, 263C... Theo đó, nhân dân đã tình nguyện hiến 19,12ha đất và tài sản trên đất, trị giá khoảng 34 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm 2022, huyện có kế hoạch xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo 11 công trình giao thông do huyện quản lý, với tổng chiều dài 35,6km; xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình giao thông trục xã, liên xóm với tổng chiều dài trên 78km... Tổng mức đầu tư dự kiến của các công trình trên là trên 485 tỷ đồng.
Để hoàn thành kế hoạch này, huyện tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tuyên truyền, vận động người dân hiến đất và tài sản để phục vụ thi công các công trình giao thông; tập trung vào tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; tuyến đường giao thông nông thôn tại các xã, thị trấn…