Tính đến ngày 20-3, tổng dư nợ do các cấp hội Phụ nữ trong huyện Phú Lương nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội là gần 113 tỷ đồng, với 2.833 hộ vay. Trong đó, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,1%.
Để đạt được kết quả như vậy, Hội đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Theo đó, các cấp hội Phụ nữ trên địa bàn huyện hiện đang quản lý 90 tổ TK&VV. Hằng năm, Hội LHPN huyện đều phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về tín dụng chính sách cho các tổ trưởng, tổ phó tổ TK&VV.
Cùng với đó, Hội LHPN huyện yêu cầu các cơ sở Hội đồng hành với các tổ TK&VV tại địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình tại cơ sở. Chị Trần Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Đô, cho biết: Hằng tháng, ngay sau buổi giao ban với Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi sẽ tổ chức buổi họp với các tổ trưởng tổ TK&VV để trao đổi nhiệm vụ; triển khai các văn bản, quy định mới liên quan; nhắc nhở, thông báo các tổ đôn đốc hộ vay vốn đến thời hạn trả tiền gốc và lãi… 2 năm gần đây, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi linh hoạt chuyển từ họp trực tiếp sang trực tuyến trên các nhóm Zalo của chi hội phụ nữ xóm để kịp thời triển khai công việc.
Để nguồn vốn vay chính sách được giải ngân đến đúng đối tượng, đúng mục đích, Hội LHPN huyện Phú Lương cũng yêu cầu các cơ sở Hội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình bình xét, cho vay vốn tại các tổ TK&VV; thường xuyên tới thực tế cơ sở để nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyên vọng của hội viên phụ nữ, đặc biệt là những chị em có hoàn cảnh khó khăn để định hướng lựa chọn chương trình vay vốn phù hợp.
Chị Hầu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Tức Tranh, chia sẻ: Bên cạnh việc chỉ đạo hoạt động của các tổ TK&VV thì khâu kiểm tra, giám sát cũng được chúng tôi coi trọng. Theo đó, trong vòng 30 ngày kể từ khi Ngân hàng tiến hành giải ngân, cán bộ Hội sẽ phối hợp với tổ TK&VV đển kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của các hộ dân theo tháng, quý hoặc đột xuất. Nếu phát hiện hộ nào sử dụng vốn không đúng mục đích, chúng tôi sẽ báo Ngân hàng và lãnh đạo xã để có phương án xử lý phù hợp.
Bằng các giải pháp linh hoạt, quyết liệt, đến nay, qua đánh giá, hầu hết các hộ vay vốn chính sách do các cấp hội Phụ nữ huyện Phú Lương quản lý đều sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao. Trong đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Có thể kể đến như hộ chị Lâm Thị Phượng, ở xóm Khe Vàng, xã Phú Đô. Năm 2015, gia đình chị được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo đất, chuyển đổi sang trồng 3.000m2 chè cành. Sau 3 năm, cây chè sinh trưởng tốt và cho thu hoạch 6 lứa/năm với sản lượng đạt trên 1,5 tạ chè búp khô/lứa. Từ đó, gia đình chị có nguồn thu ổn định và thoát nghèo vào năm 2020. Hiện, chị Phượng đang tiếp tục vay vốn dành cho hộ mới thoát nghèo để có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế.
Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phú Lương còn 1,9% (giảm 10,67% so với năm 2017). Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn huyện còn 1.459 hộ nghèo (chiếm 5,33%) và 1.203 hộ cận nghèo (chiếm 4,4%). Bà Khuông Thị Kim Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lương, cho hay: Xác định việc quản lý, sử dụng tốt nguồn vốn vay chính sách là nhiệm vụ chính trị quan trọng góp phần giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát và hướng dẫn người vay sử dụng đúng mục đích, nhất là đối với các hộ vay mới. Ngoài ra, Hội cũng sẽ tổ chức khen thưởng kịp thời những đơn vị thực hiện tốt công tác này.