Đối với cây chè, huyện triển khai hỗ trợ 100% chi phí chứng nhận VietGAP lần đầu cho gần 670ha chè, mức hỗ trợ không quá 6 triệu đồng/ha, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cấp lại chứng nhận cho 150ha chè, mức hỗ trợ không quá 2 triệu đồng/ha; hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình chuyển giao sản xuất chế phẩm sinh học… Đối với cây ăn quả, Đại Từ thực hiện hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 70% chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Nhằm hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất lương thực năm 2022, huyện Đại Từ hỗ trợ giống lúa tại các vùng sản xuất tập trung như: An Khánh, Cù Vân, Khôi Kỳ… với tổng diện tích 700ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện thực hiện hỗ trợ chi phí giết mổ, kinh phí kiểm soát giết mổ, hỗ trợ chi phí vận chuyển gia súc, gia cầm đến cơ sở giết mổ…
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục tuyên truyền triển khai phương án dồn điền đổi thửa phù hợp với quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp chủ lực… Tổng kinh phí thực hiện gần 9 tỷ đồng, trong đó trên 7,7 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, số còn lại do nhân dân đối ứng.
Năm 2022, huyện Đại Từ phấn đấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%/năm; gần 820ha chè được cấp mới, cấp lại chứng nhận VietGAP; diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao đạt 5.300ha, 80ha trồng rau màu tập trung; 180ha nuôi trồng thủy sản thâm canh…