Hiện giá thép xây dựng đã vượt 19 triệu đồng/tấn, cao hơn 1 triệu đồng so với mức đỉnh năm 2021. Cùng với đó, giá một số loại vật liệu xây dựng khác như xi-măng, cát, bê-tông... cũng đua nhau tăng chóng mặt.
Ðiều này khiến các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn, hoạt động xây dựng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, rất dễ xảy ra việc nhà thầu, chủ đầu tư buông xuôi, chạy "bỏ của" để mặc dự án, công trình "đắp chiếu".
Lao đao vì công trình "đội" vốn
Anh Ngô Hoàng Vũ, trú tại phường Quảng Thọ, T.P Sầm Sơn (Thanh Hóa) có kế hoạch khởi công xây nhà từ sau Tết Nguyên đán nhưng giá sắt, thép xây dựng vừa qua liên tục tăng mạnh, khiến anh đứng ngồi không yên. "Từ đầu năm đến nay, giá sắt, thép đã tăng 6-7 lần. Chỉ hơn một tuần nay, giá đã lên hơn 19,5 triệu đồng/tấn, tăng cả triệu đồng/tấn so với hồi đầu tháng", anh Vũ lo lắng. Theo dự kiến, vợ chồng anh Vũ sẽ bỏ ra khoảng 1 tỷ đồng để xây dựng một căn nhà 3 tầng trên diện tích 70m2. Theo lời anh Vũ, thông thường tiền sắt, thép sẽ chiếm khoảng 20% giá thành toàn bộ ngôi nhà, nhưng với giá sắt, thép tăng mạnh cùng giá xi-măng, cát, sỏi, vật liệu xây dựng khác cũng “rục rịch” tăng theo như hiện nay sẽ khiến anh phải đi vay mượn thêm vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng để bảo đảm công trình nhà anh có thể hoàn thiện. "Nếu biết trước giá thép lên cao thế này, từ trước Tết tôi đã bỏ ra mấy chục triệu đặt cọc để mua, lúc đó giá thép chỉ gần 17 triệu đồng/tấn. Ðến giờ này thì đành bó tay", anh Vũ tiếc nuối.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngày 15-3 vừa qua, hàng loạt công ty thép đã ra thông báo điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm thép, như: Công ty cổ phần Sản xuất thép Việt Ðức thông báo sẽ tăng giá thêm 650 nghìn đồng/tấn thép; Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên tăng 600 nghìn đồng/tấn thép. Hiện mức giá bán thép cuộn CB240 dao động ở mức khoảng 18,8 đến 19,3 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu; thép thanh vằn D10 CB300 dao động từ hơn 19 đến 19,5 triệu đồng/tấn tùy thương hiệu. Khảo sát của chúng tôi tại một số cửa hàng bán sắt, thép trên phố Ðê La Thành (Hà Nội) cho thấy, giá thép cuộn của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên mã CB240 có giá 19,53 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn CB300 D10 (đường kính 10 mm) có giá 19,68 triệu đồng/tấn (chưa tính thuế giá trị gia tăng VAT).
Không chỉ sắt thép, hầu hết mặt hàng vật liệu xây dựng khác như: cát, sỏi, gạch,… cũng trong tình trạng tương tự. Chủ một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên phố An Trạch, quận Ðống Ða (Hà Nội) cho biết, hiện giá các mặt hàng vật liệu xây dựng đều tăng khoảng 10% đến 15% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, như xi-măng tăng khoảng 7-10 nghìn đồng/bao, cát xây dựng tăng khoảng 40 nghìn đồng/m3... Hiện, cát xây, trát tường có giá khoảng 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/m3, cát trộn bê-tông có giá khoảng 400 nghìn đến 450 nghìn đồng/m3; gạch ống giá từ 1.300 đến 1.400 đồng/viên... Với các mặt hàng trang trí nội thất, từ đầu tháng 3 đến nay các loại gạch men lát nền tăng khoảng 50 nghìn đồng so với tháng 2, lên mức khoảng 250 nghìn đồng/m2; sàn gỗ công nghiệp tăng 50 nghìn đến 60 nghìn đồng/m2; các loại sơn nước tăng 200 nghìn đến 250 nghìn đồng/thùng 18 lít...
Cần các giải pháp hỗ trợ giá
Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Ða cho biết, riêng mặt hàng sắt, thép xây dựng, ngoài yếu tố nguyên liệu đầu vào tăng giá thì cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng là tác nhân đẩy giá thép tăng đột biến bởi Nga là thị trường xuất khẩu lớn các mặt hàng như dầu, khí, thép... nhưng thị trường này đang có vấn đề khiến nguồn cung thiếu hụt. Bên cạnh đó, Chính phủ đang thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công làm nhu cầu thép xây dựng trên thị trường tăng đột biến. Do đó, dự báo giá các mặt hàng vật tư xây dựng trong tháng 4 tới đây rất có thể sẽ tăng khoảng 5% đến 10% so với hiện tại. Trong vài tháng tới, dự báo giá thép sẽ rất khó hạ nhiệt nhanh chóng, ngược lại có thể tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao thêm một thời gian, đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn.
Có thể nói, hệ quả của đà tăng giá các mặt hàng vật liệu xây dựng thiết yếu như thép đang là nguyên nhân đẩy giá công trình xây dựng lên mặt bằng mới. Việc giá thép tăng mạnh trong những tháng đầu năm đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư đã không thể tiếp tục thi công vì làm tiếp sẽ lỗ, thậm chí nhiều chủ đầu tư đành buông xuôi để mặc dự án "đắp chiếu". Vì vậy, áp lực này đang buộc các nhà thầu xây dựng phải tìm cách đưa thêm các công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động "lấy chỗ nọ, đắp chỗ kia" để bù đắp vào phần nguyên vật liệu tăng cao. Với mức giá nguyên vật liệu tăng cao bất thường (vượt quá 3-5%) như hiện nay, các cơ quan chức năng cần xem xét cho phép thực hiện bù giá trực tiếp vào hợp đồng cho các nhà thầu thi công các dự án. Ðồng thời, chủ đầu tư và nhà thầu cũng nên thương lượng với nhau để chỉnh sửa lại đơn giá hợp đồng.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, chi phí thép chiếm 12-16% tổng chi phí xây dựng công trình. Nếu giá thép xây dựng tăng 10% thì giá thành xây dựng các công trình sẽ tăng 1-1,5%. Sắp tới, khi các bộ, ngành đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ngoài nỗ lực của các nhà thầu, nếu các cơ quan chức năng có thêm những giải pháp hỗ trợ sẽ giúp các dự án thi công đúng tiến độ, tạo đà hồi phục cho nền kinh tế. Nói cách khác, cơ quan chức năng và cả bản thân các doanh nghiệp ngành thép cần có những điều chỉnh trong chính sách để sớm "hạ nhiệt" giá thép, bảo đảm bình ổn thị trường cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp; đồng thời, cần tập trung phát triển công nghiệp khai thác, chế biến quặng nhằm giúp các doanh nghiệp sản xuất thép có đủ nguồn cung nguyên liệu ổn định, từ đó sớm hình thành thị trường nguyên liệu thép lành mạnh.