Cập nhật: Thứ ba 29/03/2022 - 10:47
Khách hàng trải nghiệm điều khiển Robot qua kết nối VinaPhone 5G.
Khách hàng trải nghiệm điều khiển Robot qua kết nối VinaPhone 5G.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 3-2022, cả nước có trên 54 triệu thuê bao FTTH (cáp quang), 3G, 4G hoạt động trên địa chỉ IPv6 (giao thức liên mạng thế hệ thứ 6), đạt tỷ lệ 50%.

Như vậy, với việc tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên mạng internet đạt 50% nêu trên, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đi đầu trong chuyển đổi sang IPv6, hiện đứng thứ 8 toàn cầu, thứ 3 châu Á và thứ 2 khu vực ASEAN.

Sau khi hoàn thành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (2011-2019), công tác triển khai IPv6 Việt Nam được tiếp tục với mục tiêu chuyển đổi toàn bộ internet Việt Nam sang IPv6, sẵn sàng khả năng hoạt động thuần IPv6 như nội dung đã được xác định tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi tháng 6-2020.

Bên cạnh đó, các hoạt động chuyển đổi IPv6 kết hợp tái cơ cấu hạ tầng mạng lưới công nghệ thông tin cơ quan nhà nước theo Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025 (Chương trình IPv6 For Gov) cũng đang được tập trung triển khai.

Với khối cơ quan nhà nước, có 68 bộ, ngành, địa phương đã ban hành Kế hoạch Ipv6, đạt 80%; 22 Cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đã hoạt động tốt với IPv6, hoàn thành 26%; và 36 bộ, ngành, địa phương quy hoạch và sử dụng IP, ASN độc lập, đạt 42%.


Theo HNMO