Thực tế cho thấy, để xảy ra thực trạng vi phạm trên, nguyên nhân một phần là do công tác quản lý đất đai ở cấp xã, phường chưa chặt chẽ, xảy ra vi phạm nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm nên không tạo được sức răn đe. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định về pháp luật đất đai của một số người dân còn hạn chế. Từ đầu năm đến nay, cơ quan chuyên môn của T.P Sông Công đã phối hợp với các xã, phường kiểm tra, phát hiện, nhắc nhở gần 50 trường hợp xây dựng các công trình, vật kiến trúc trên đất không đúng mục đích sử dụng đất, vi phạm hành lang giao thông, …
Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, UBND T.P Sông Công đã thành lập Tổ kiểm tra xây dựng, đất đai trên địa bàn. Trong đó giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Quản lý đô thị, Trung tâm phát triển quỹ đất chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra những trường hợp xây dựng, cải tạo công trình nhằm mục đích đón bồi thường, sử dụng đất sai mục đích, kịp thời lập biên bản ghi nhận hiện trạng và yêu cầu các trường hợp tự tháo dỡ công trình vi phạm. TRong đó, tập trung kiểm tra các xã, phường đã có quy hoạch, định hướng quy hoạch dự án phát triển kinh tế - xã hội như: Bách Quang, Tân Quang, Bình Sơn, Châu Sơn…
Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cùng các phòng, ban chuyên môn thường xuyên làm việc với cấp xã, phường để trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý, giải quyết; yêu cầu người đứng đầu các địa phương có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định…
T.P Sông Công cũng thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai để kịp thời kiểm tra, xử lý khi mới phát sinh. Ông Nguyễn Đức Giang, Bí thư Đảng ủy phường Bách Quang, cho biết: Địa phương hiện đang được thành phố triển khai 7 dự án khu dân cư, khu đô thị và công viên cây xanh. Nhằm hạn chế các vi phạm về đất đai, giải phóng mặt bằng, phường đã tiến hành rà soát, thống kê, phân loại và lập danh sách từng trường hợp còn tồn tại, vi phạm, trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch xử lý, giải quyết cụ thể phù hợp với thực tế. Từ đầu năm đến nay, phường đã phát hiện, tuyên truyền, vận động 3 hộ dân xây dựng công trình, vật kiến trúc trên khu vực đất đã được thông báo quy hoạch tự nguyện tháo dỡ vi phạm.
Theo ông Nguyễn Văn Dụng, Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường T.P Sông Công, một trong những giải pháp quyết liệt của địa phương trong việc xử lý các vi phạm về đất đai là tổ chức cưỡng chế đối với các trường hợp không đồng thuận, hợp tác tháo dỡ, kiên quyết xử lý dứt điểm, không để vi phạm kéo dài. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, thành phố đã ra quyết định cưỡng chế thu hồi đất 10 trường hợp; cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả 2 trường hợp.
Điển hình là cuộc cưỡng chế tại hộ ông Nguyễn Văn Ngọc, ở xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn do tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp. Sau nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục ông Ngọc không thành, UBND T.P Sông Công đã ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, hoàn trả lại hiện trạng đất trước khi vi phạm.
Xác định lĩnh vực đất đai là vấn đề “nóng”, dễ xảy ra khiếu kiện, do vậy trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành của T.P Sông Công sẽ tập trung chỉ đạo, ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời các vụ việc ngay từ khi mới phát sinh; gắn trách nhiệm đối với từng cá nhân để xử lý kiên quyết, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tạo chuyển biến trong công tác quản lý Nhà nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này.