Tham gia Hội thảo có đại diện một số sở, ngành, đơn vị liên quan; Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và 20 đơn vị hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất chè trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu đã được nghe báo cáo tham luận của một số đơn vị, HTX đánh giá về tình hình, thực trạng ứng dụng CĐS trong ngành Chè của tỉnh. Theo đó, đối với chuỗi sản xuất chè của tỉnh Thái Nguyên, CĐS đã được áp dụng ở hầu hết các công đoạn, từ trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng CĐS còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, chủ yếu tập trung ở khâu thương mại nên hiệu quả chưa cao; một số HTX còn gặp khó trong việc ứng dụng CĐS do thiếu kinh phí, kinh nghiệm…
Tại Hội thảo, đại diện một số sở, ngành, đơn vị, các trường đại học đã đưa ra một số giải pháp CĐS trong quá trình trồng, chăm sóc chè và công tác quản lý, kiểm định chất lượng sản phẩm chè bằng công nghệ số như: Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động có chuyên môn về nông - lâm nghiệp, điện, điện tử, tin học và tự động hoá; đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ hiện đại hỗ trợ người sản xuất chè; phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, sạch và bền vững…
Thông qua Hội thảo, các chủ thể HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh chè có thêm thông tin, kiến thức mới về CĐS, từ đó chủ động thích ứng, đầu tư chuyên sâu, góp phần phát triển sản phẩm chủ lực và các sản phẩm chè OCOP của tỉnh.