Cơ chế hướng dẫn và khuyến cáo thường xuyên
Bộ Tài chính khẳng định cơ quan này đã có nhiều động thái quyết liệt trong việc tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thị trường tài chính và liên tiếp đưa ra các cảnh báo đối với các nhà đầu tư nhằm giúp thị trường chứng khoán (TTCK) và thị trường trái phiểu doanh nhiệp (TPDN) phát triển an toàn, bền vững.
Nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư và góp phần giúp thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã ban hành theo thẩm quyền thông tư hướng dẫn khá cụ thể những nội dung liên quan.
Trước trước đó, qua nắm bắt tình trạng TPDN tăng trưởng nóng, Bộ Tài chính nhận định việc phát hành TPDN riêng lẻ cũng bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.
Do đó, từ năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo về những rủi ro đối với nhà đầu tư khi tham gia thị trường TPDN; khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân không nên mua TPDN riêng lẻ nếu không có khả năng và nguồn lực để đánh giá đầy đủ rủi ro của trái phiếu, theo sát tiến độ giải ngân, mục đích sử dụng vốn, tình hình tài chính của doanh nghiệp (DN) phát hành sau khi đầu tư mua trái phiếu…
"Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý nguyên tắc đầu tư cơ bản là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao; do đó phải hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu; không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của DN phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu", Bộ Tài chính nhấn mạnh trong khuyến cáo.
Nâng hiệu quả giám sát, chấn chỉnh trên thị trường TPDN
Trước tình trạng TPDN tăng trưởng nóng có thể gây rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia, Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo các cơ quan liên quan trọng việc tăng cường kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát việc phát hành TPDN để đảm bảo thị trường TPDN trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho DN và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư.
Đồng thời, các cơ quan phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trương xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi vi phạm của các cá nhân, DN. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật...
Còn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu công ty chứng khoán nhắc nhở về việc tuân thủ Nghị định 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.
Không chỉ dừng lại ở cảnh báo, dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 DN là 2 tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán
Bộ Tài chính phân tích, một trong những nguyên nhân khiến việc vi phạm diễn biến phức tạp là do có tình trạng báo cáo tài chính của một số DN niêm yết, công ty đại chúng còn nhiều sai sót, kể cả một số trường hợp đã có ý kiến chấp nhận toàn phần của DN kiểm toán. Bên cạnh đó, những sự việc vừa qua cũng cho thấy, một số DN đã đưa ra các báo cáo tài chính sai lệch, bên cạnh đó các cơ quan kiểm toán độc lập đã không làm tròn trách nhiệm dẫn đến những thông tin sai lệch của DN, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Do vậy, mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu tổng giám đốc, giám đốc các DN kiểm toán, các kiểm toán viên hành nghề và các thành viên nhóm kiểm toán thực hiện nghiêm túc nhiều nội dung về pháp luật kiểm toán.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán đối với các DN niêm yết, công ty đại chúng, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, công chúng, góp phần phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát các DN cung cấp dịch vụ kiểm toán. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm nghiêm trọng yêu cầu khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chấn chỉnh để các DN kiểm toán thực hiện đúng các quy định.Nhiều ý kiến cho rằng, hàng loạt các giải pháp, biện pháp thời gian qua của cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính đã giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK, thị trường TPDN. Đồng thời, những động thái quyết liệt đó không làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư mà ngược lại còn giúp nhà đầu tư tin tưởng hơn vào sự quản lý, điều hành hiệu quả, kịp thời của các cơ quan quản lý.
Tại buổi họp báo Công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2022 do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ngày 6/4, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, cơ quan thường trú tại Việt Nam, đánh giá TPDN của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh trong năm vừa qua là tín hiệu tốt, nhưng sự gia tăng quá nhanh trong khi nền tảng cơ sở chưa đáp ứng kịp. Hiện nay, điều quan trọng nhất với Việt Nam là tập trung bảo đảm một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đặc biệt là hạn chế sự thao túng thị trường của các tập đoàn lớn cũng rất quan trọng Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries bổ sung thêm: ADB nhận thấy có sự thiếu văn hoá về xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường phát hành trái phiếu DN. ADB đang làm việc với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước và quốc tế. Chúng tôi mong muốn tìm kiếm nhiều hỗ trợ hơn trong lĩnh vực này. "Việc các TPDN được xếp hạng theo mức độ rủi ro, theo sức mạnh về tài chính của cơ quan phát hành trái phiếu là rất quan trọng"- ông Andrew Jeffries nói. |