Kinh phí triển khai kế hoạch là khoảng 4 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 3 tỷ đồng, 1 tỷ đồng còn lại từ các nguồn khác; sản lượng dự kiến đạt 80.000 tấn, với giá trị 64 tỷ đồng.
Theo đó, các địa phương sử dụng những giống ngô lai đơn như: NK7328, CP511, CP111, SSC586... có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; ít nhiễm sâu bệnh; năng suất sinh khối cao; có thể trồng được mật độ cao, chịu hạn tốt. Cùng với đó, huyện cũng đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng và phát triển vùng trồng ngô sinh khối tập trung; ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao trong các khâu trồng, chăm sóc, thu gom và chế biến ngô sinh khối thành thức ăn cho gia súc…
Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp ngô chín sáp sẽ đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi. Việc đẩy mạnh phát triển ngô sinh khối trên diện tích đất kém hiệu quả, nhàn rỗi không chỉ có ý nghĩa lớn với ngành trồng trọt mà còn góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu về nguồn thức ăn thô xanh cho một số loại gia súc trong chăn nuôi.