Tại công văn này, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, do nguồn tài nguyên địa chỉ internet IPv4 đã hoàn toàn cạn kiệt và trước yêu cầu công nghệ của các dịch vụ mới, chất lượng cao như internet vạn vật (IoT), 4G LTE/5G, mạng internet toàn cầu chuyển sang thế hệ mới, sử dụng giao thức và địa chỉ IPv6.
Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quan tâm, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác chuyển đổi IPv6 trên hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin của đơn vị.
Trong đó, ưu tiên thực hiện 2 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022, gồm việc ban hành và triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin của bộ, ngành bám sát Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025 (Chương trình IPv6 for Gov) và đồng bộ với kế hoạch phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Cùng với đó, các bộ, ngành cần tập trung thực hiện chuyển đổi hoạt động IPv6 cho cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của bộ, ngành mình để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ cơ quan nhà nước qua IPv6.
Đối với các cơ quan đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị quyết liệt triển khai các nội dung theo kế hoạch, bảo đảm mục tiêu chuyển đổi toàn diện mạng internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ IPv6.
Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC là cơ quan được Bộ Thông tin và Truyền thông giao làm đầu mối, chủ trì thực hiện Chương trình IPv6 for Gov và các hoạt động đào tạo, tư vấn, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong quá trình xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi IPv6.
Tại Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ nhiệm vụ chuyển đổi toàn bộ mạng internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ IPv6.
Đến hết năm 2021, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 47,54%, đứng thứ 8 trên thế giới, gấp 2,3 lần bình quân khu vực ASEAN, gấp 1,7 lần bình quân toàn cầu. Các doanh nghiệp đã triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 rộng rãi để người dùng có thể truy cập internet IPv6 qua di động, cáp quang.
Hiện có 56/63 tỉnh, thành phố và 14/30 bộ, ngành đã ban hành kế hoạch chuyển đổi IPv6; 24 bộ, ngành, địa phương chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin điện tử, dịch vụ công.