Cập nhật: Thứ hai 18/04/2022 - 11:45
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ cùng nông dân thăm đồng, kiểm tra sự sinh trưởng của cây lúa.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đại Từ cùng nông dân thăm đồng, kiểm tra sự sinh trưởng của cây lúa.

Vụ xuân năm nay, huyện Đại Từ gieo cấy trên 5.500ha lúa. Hiện nay, lúa đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng. Tuy vậy, thời gian gần đây, trên 400ha lúa rải rác ở các xã, thị trấn của huyện bị bệnh vàng lá sinh lý, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Theo đó, triệu chứng phổ biến là cây lúa chậm phát triển, cây thấp, nở bụi kém; lá lúa bị vàng, hoặc chuyển màu đỏ gạch, xuất hiện các đốm nâu trên lá sau lan rộng ra khắp bề mặt lá; rễ kém phát triển, chuyển màu vàng tới nâu, đen và khả năng hút dinh dưỡng qua rễ kém.

Theo thông tin từ cơ quan chuyên môn, có nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh vàng lá sinh lý như: Đất bị chua phèn, PH thấp, sắt, nhôm di động nhiều làm hại rễ lúa; thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng, hoạt động của vi sinh vật phân hủy diễn ra mạnh mẽ sinh ra các khí độc trong đất như SO4, H2S…; quá trình chuyển hóa và tích lũy chất dinh dưỡng vào cây lúa kém…

Trước tình hình đó, cán bộ chuyên môn huyện Đại Từ đã trực tiếp kiểm tra đồng ruộng, hỗ trợ người dân khắc phục. Cụ thể, hướng dẫn nông dân bón ngay vôi khi đất bị phèn chua để trung hòa môi trường đất, giảm sắt, nhôm di động để tránh gây độc cho cây lúa; sử dụng các loại phân bón lá giàu lân, đạm, magie, vi lượng để cung cấp kịp thời dinh dưỡng cho cây lúa, giúp cây lúa nhanh bén rễ, hồi xanh…

Đến nay, khoảng 160ha diện tích lúa nhiễm bệnh đã hồi phục, lá lúa xanh trở lại. Phần diện tích bị lúa bị bệnh vàng lá còn lại đang được bà con nông dân tích cực chăm sóc để cây lúa hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, cán bộ chuyên môn khuyến cáo, cây lúa bị bệnh sẽ giảm sức đề kháng, các loại bệnh như: Khô vằn, đạo ôn,… sẽ có cơ hội gây hại mạnh hơn. Do vậy, người dân cần chú ý thăm đồng thường xuyên để kịp thời phát hiện, xử lý, tránh ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng.

Thu Huyền