Văn La 1 được sáp nhập từ 2 xóm Nà Đin và Nà Tiếm. Trước thời điểm sáp nhập, đây cũng là 2 xóm đặc biệt khó khăn của xã Lam Vỹ. Sau khi sáp nhập, xóm Văn La 1 có 112 hộ dân, với trên 400 nhân khẩu. Từ năm 2016 trở về trước, cuộc sống của trên 90% hộ dân trong xóm dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ. Cả xóm không có mô hình kinh tế đem lại thu nhập lớn. Phải đến năm 2018, từ việc tuyên truyền, thay đổi tư duy và các dự án hỗ trợ sản xuất, đời sống của bà con mới dần có sự đổi thay theo hướng tích cực.
Ông Hạc Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ, cho biết : Để thay đổi được tư duy của bà con không phải chuyện ngày một, ngày hai. Để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xã đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn về các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao; tổ chức cho bà con đi tham quan trực tiếp mô hình tại các địa phương khác. "Mưa dầm thấm lâu", người dân dần hiểu ra được lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi. Rồi từ chỗ ban đầu chỉ có 1-2 hộ, dần dà, ngày càng nhiều gia đình ở xóm Văn La 1 áp dụng hiệu quả các mô hình sản xuất mới. Bên cạnh đó, ngoài việc tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ cây, con giống, xã còn thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình sử dụng nguồn hỗ trợ. Đồng thời, hỗ trợ bà con tối đa về vốn, kỹ thuật, quy trình sản xuất.
Trong số các hộ dân ở Văn La 1, gia đình ông Ma Quang Quý là một trong những hộ giàu lên nhờ mô hình nuôi ốc nhồi. Sau nhiều năm cấy lúa 1 vụ nhưng giá trị kinh tế không cao, tình cờ trong 1 lần đi tham quan, ông Quý biết đến mô hình nuôi ốc ở xã Định Biên (Định Hóa). Với quyết tâm làm giàu, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 9 sào đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi ốc.
Từ năm 2018 đến nay, mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình ông cho sản lượng 1,5-2 tấn/năm, đem về thu nhập gần 100 triệu đồng mỗi năm. Ông Quý chia sẻ: Từ năm thứ 2 trở đi, mô hình nuôi ốc ngày càng cho lợi nhuận cao. Bởi chi phí nuôi giảm xuống do nhà tôi tự sản xuất được giống, chủ động được thức ăn cho ốc. Nguồn thu nhập từ nuôi ốc giúp gia đình tôi có kinh phí sửa chữa nhà cửa, cải thiện đời sống. Tôi cũng đã hỗ trợ 10 hộ khác trong xóm phát triển mô hình, đến nay, các hộ này đã bắt đầu có thu nhập từ nuôi ốc.
Hay như gia đình ông Trần Văn Kham với mô hình nuôi 15 con bò thương phẩm. Ông Kham cho hay: Trước đây, gia đình tôi chỉ chăn nuôi theo hướng tự phát, số lượng 2-3 con, chủ yếu lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Được sự tuyên truyền của cán bộ nông nghiệp xã, tôi nhận thấy nuôi bò thương phẩm là hướng đi tốt để phát triển kinh tế. Bởi vậy tôi đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng chuồng trại và mua con giống. Trong quá trình chăn nuôi, tôi nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông, các cơ quan chuyên môn nên đàn bò lớn nhanh, không nhiễm các loại dịch bệnh nguy hiểm. Mô hình nuôi bò đem lại cho gia đình tôi thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm.
Bên cạnh chăn nuôi, tận dụng lợi thế diện tích đất lâm nghiệp lớn, người dân xóm Văn La 1 đã tích cực đầu tư trồng khoảng trên 300ha keo và gần 30ha quế. Để phát huy thế mạnh về kinh tế rừng, các hộ dân trong xóm thường xuyên được cán bộ lâm nghiệp xã, Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và được hỗ trợ đầy đủ cơ chế, chính sách, dự án trồng rừng.
Đến nay, nhiều gia đình ở Văn La 1 có thu nhập bình quân 50-70 triệu đồng/năm từ trồng rừng. Ngoài ra, nhiều lao động của xóm đang làm tại các công ty, nhà máy trong và ngoài tỉnh, có mức thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Nhờ thay đổi tư duy trong sản xuất, đời sống kinh tế của bà con xóm Văn La 1 được cải thiện rõ rệt. Xóm hiện chỉ còn 7 hộ nghèo, giảm 23 hộ so với năm 2017; thu nhập bình quân của người dân tăng từ 15 triệu đồng/người/năm (năm 2016) lên gần 25 triệu đồng/người/năm (năm 2021).
Chia sẻ về sự thay đổi của xóm Văn La 1, ông Chủ tịch UBND xã Lam Vỹ Hạc Văn Luận phấn khởi: Nhờ những kết quả đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế, Văn La 1 từ xóm thuộc diện đặc biệt khó khăn đã vươn lên hoàn thành chương trình 135 vào năm 2019.